Trung thu cho ai?

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2010 | 8:12:57 AM

Tết Trung thu ngày càng quy mô và tốn kém nhưng có thực là ngày hội của trẻ em? - Câu chuyện không chỉ của những ngày tháng Tám âm lịch này.

Trẻ con phải được là nhân vật chính trong ngày hội Trung thu.
Trẻ con phải được là nhân vật chính trong ngày hội Trung thu.

Công ty nọ tổ chức Tết Trung thu cho con em nhân viên, mời tất cả tới một nhà hàng lớn. Ban tổ chức “chuyên nghiệp” thuê nguyên một đội múa lân chuyên nghiệp, một tốp nhi đồng ca múa chuyên nghiệp của cung văn hóa, thuê luôn cả “chị Hằng” là cô ca sĩ phòng trà. Các cháu và bố mẹ được sắp xếp vào chỗ ngồi ổn định, chỉ việc nghe hát, xem múa và... ăn.

Có bé nhấp nhổm muốn chạy lên gần phía sân khấu liền bị bố chặn lại. “Nhưng ngồi đây con không xem được” - bé nhăn nhó. Ông bố quắc mắt: “Ngồi yên. Ngoan!”

Mở đầu, lãnh đạo công ty lên phát biểu, dặn dò các cháu phải ngoan, học giỏi, vâng lời bố mẹ. Anh dẫn chương trình đế thêm: “Các con có đồng ý không nào?”. Phụ huynh và các bé đồng thanh: “Có ạ” - theo thói quen ở trường.

Tất nhiên bữa tiệc không hề rẻ. Ra về các bố các mẹ đều được nhận phong bì “gọi là cái quà Tết cho các cháu”.

Duy có một điều: Không biết các bé có thật vui không? Không được chạy nhảy thỏa thích với các bạn, không phải là nhân vật chính trên sân khấu lẫn bàn ăn, có thật bé có Tết Trung thu của mình không?

Nhiều công ty còn nhân dịp Trung thu tổ chức phát phần thưởng cho các cháu có thành tích. Cháu nào có giấy khen học sinh xuất sắc, học sinh giỏi (trước đó bố mẹ phải nộp bản photo lên công đoàn), sẽ được lên nhận quà- một cái hộp rất to, trông rất trịnh trọng. Và không bé nào được mở ngay vì bố mẹ chưa cho phép.

Bữa đó, phụ huynh nào có con không được điểm cao ở trường, hẳn không khỏi ngượng. Có cháu không được bố mẹ dẫn tới vì “làm xấu mặt bố mẹ”.

Khổ thân! Ở trường, bé nào bị coi là “cá biệt” do quá hiếu động đã thường bị thầy cô dí trán hay đập thước vào tay. Ngay cả khi, lẽ ra phải được bình đẳng trong ngày hội truyền thống, cũng lại bị khu biệt hóa vì điểm chác, thành tích, giấy khen.

Thật ra, trẻ con đâu cần biết thế nào là “lãnh đạo công ty đã quan tâm sâu sắc”, chúng chỉ muốn gặp bạn và chạy nhảy hò hét thoải mái trong không gian rộng, có nhiều đồ chơi mới.

Trẻ con thành phố cũng không chờ đến ngày Trung thu để được ăn uống thịnh soạn, chúng đã phát khiếp vì bị ép ăn hằng ngày. Chúng chỉ muốn lăn xả vào đám múa lân, đánh trống.

Trẻ con cũng không thích phong bì, không thích các hộp quà kín mít bí ẩn. Chúng muốn cái gì xem được, chơi được, mở ra được ngay để thỏa chí tò mò.

Và trẻ con sợ hãi hơn cả khi bị đem ra so sánh, bị mắng và bị xấu hổ trước các bạn có điểm số tốt hơn hay có giấy khen.

Vậy mà, các bậc phụ huynh, các cán bộ lãnh đạo đã hiểu nhầm chúng. Họ cứ cố giữ quần áo của con thật sạch, cấm chạy nhảy - “kẻo mất trật tự và ra mồ hôi”. Họ nhất định bảo chúng ngồi yên một chỗ và ăn hết phần của mình.

Trẻ con không hề là nhân vật chính trong ngày hội hè tưng bừng này. Anh dẫn chương trình chuyên nghiệp gọi chúng bằng cái tên “con của bố A”, “con của mẹ B”. Người lớn khen nhau “con nhà chị ngoan thế”, hay “trộm vía, con nhà anh cao nhỉ”.

Người lớn nói chuyện với nhau về chúng, thực hiện các nghĩa vụ nợ nần và ngoại giao bằng phong bì, dựa trên danh nghĩa ngày của chúng.

Ít ai cúi xuống hỏi chuyện đứa trẻ. Trong khi chúng lơ ngơ đứng nhìn xung quanh và chắc đang nghĩ: “Vớ vẩn thật, sao người ta không chịu hiểu rằng mình mới là người có quyền ở đây nhỉ?”.

(Theo TPO)