Làm giàu từ ba ba gai

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/11/2010 | 9:05:05 AM

YBĐT - Không vườn, không đất lâm nghiệp, không một mảnh ruộng, nhưng với nghị lực, quyết tâm học hỏi vươn lên, anh Trần Ngọc Tĩnh, thôn Khe Lụa, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) đã biến chiếc ao chỉ vẻn vẹn vài trăm mét vuông của gia đình thành “chiếc ao vàng” giúp gia đình anh thoát nghèo và vươn lên giàu có.

Hỏi về cái duyên với nghề nuôi ba ba gai, anh Tĩnh chỉ cười: “Cái này thì có nói mấy ngày cũng không hết chuyện”, rồi anh nhớ lại, năm 2002, lập gia đình, của hồi môn cha mẹ dành cho đôi vợ chồng trẻ chỉ có một căn nhà tạm. Không ruộng, không vườn, cũng chẳng có đất rừng để trồng cây, hai vợ chồng phải làm đủ nghề để kiếm sống. Nhiều lần qua lại, tiếp xúc với những hộ dân nuôi ba ba trong thị trấn Ba Khe và thị trấn Nông trường Trần Phú... anh được tận mắt chứng kiến người dân nơi đây đã thoát nghèo, làm giàu từ nuôi ba ba gai.

Thế là ý tưởng nuôi ba ba nhen nhóm trong anh từ đó. Anh vừa làm, vừa học, lại tìm hiểu thêm qua sách báo, dần dần vốn kiến thức, kinh nghiệm về nuôi ba\ba gai được anh tích lũy ngày càng nhiều. Khi đã có trong tay một kỹ thuật kha khá, anh bắt tay vào cải tạo chiếc ao thành nơi nuôi ba ba gai.

Khó khăn đầu tiên anh phải đối diện là vốn. Từ số tiền dành dụm ít ỏi, cùng với 3 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo và 15 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đầu tư mua con giống. Dự định ban đầu là mua ba\ba con về nuôi, nhưng khi đó do có ít người nuôi nên nguồn cung rất khan hiếm. Anh nói: “Hồi đó mình đã đưa tiền đặt cọc trước hàng năm trời những vẫn không có hàng”. Thế rồi anh quyết định đi một nước cờ táo bạo là mua gom ba ba gai trong tự nhiên ở nhiều nơi về nuôi.

 Kiên trì chăm sóc, đến năm 2004, lứa ba ba đầu tiên bước vào giai đoạn sinh sản, anh thu được gần 10 triệu đồng từ việc bán ba ba giống. Rồi cứ thế, mỗi năm anh mua thêm một vài con ba ba bố mẹ. Đến nay, trong tay anh đã có trên 30 con ba ba cái, hơn 10 con đực. Anh cho biết: “Năm 2009, anh thu hơn 150 triệu đồng từ việc bán ba ba giống, còn năm nay với chưa đầy 500 con giống anh đã thu về gần 300 triệu đồng”.

Thấy nuôi ba\ba gai hiệu quả, anh góp ý, hướng dẫn 2 người em trai và nhiều người trong thôn cùng nuôi ba\ba. Kỹ thuật, kinh nghiệm đều được anh tận tình chỉ bảo, con giống anh cũng bán rẻ hơn so với giá thị trường. Do vậy, trong thôn đã có nhiều người  thoát nghèo nhờ nuôi ba\ba. Theo anh, việc nuôi ba\ba quan trọng nhất là nguồn nước và chăm sóc. Nguồn nước phải đảm bảo, diện tích đủ rộng để cho ba\ba sinh trưởng, phát triển tốt. Anh nói vui: “Tôi cũng khá may mắn vì có nguồn nước tự nhiên vừa thuận tiện, lại đảm bảo vệ sinh, không tốn thêm kinh phí mua máy và bơm nước như một số nơi khác”.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu ao mới xây, anh cho biết, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng số lượng đàn ba\ba bố mẹ, đồng thời nuôi thêm ba\ba thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hùng Cường