Những “nghệ sỹ” của đồng ruộng

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/12/2010 | 9:17:30 AM

YBĐT - Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) gặp gỡ những người làm đẹp mùa xuân. Họ là những nghệ sĩ tài ba của ruộng đồng. Bằng tấm lòng sự nhiệt tình bằng bàn tay thô ráp, tỉ mẩn, họ đã tạo ra những bông hoa rực rỡ của mùa xuân.

Quả không ngoa chút nào khi nói, người trồng đào là những nhà nghệ thuật tạo hình. Ông Nguyễn Đức Huệ, một “nghệ nhân” trồng đào lâu năm ở thôn 1, xã Giới Phiên cho biết: “Nghề trồng đào khó ở chỗ, chăm sóc, nâng niu cả một năm chỉ hy vọng vào gần chục ngày giáp tết Nguyên đán.

Quá trình tạo được một cành đào đẹp, một cây đào thế không vất vả bằng nghề trồng lúa, không cầu kỳ như một tác phẩm điêu khắc, không tỉ mỉ bằng nghề thợ tiện… nhưng chứa đựng những tinh hoa của môn nghệ thuật tạo hình, những am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây theo đúng tiết trời. Thời kỳ quan trọng nhất để tạo được dáng một cành đào đẹp, một thế đào có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ là vào khoảng cuối tháng 7 dương lịch hàng năm. Lúc này, những cây đào được khoanh vỏ, nhằm hãm sự phát triển của cây để tạo thành những mắt tạo hoa sau này. Chính vì sự quan trọng của khâu này nên người trồng đào rất chú ý đến kỹ thuật khoanh vỏ, đặc biệt là những cành đào thế có tuổi đời từ 3 đến 5 năm. Vặt lá cũng là một khâu không kém phần quan trọng. Lá phần ngọn được ngắt trước sau đó mới đến phần dưới ngọn. Làm như vậy để cho dăm đào ra mắt hoa được đều, đảm bảo mỹ thuật cho cành đào.

Có 3 loại đào để người ta xác định lịch của việc vặt lá cho đúng, là bích đào (có màu đỏ thắm) từ lúc vặt lá đến khi ra hoa ngắn ngày nhất nên thường vặt lá muộn nhất; đào phai (có màu đỏ hồng) dài ngày nhất nên vặt sớm nhất, còn lại là đào mắt nâu thì bình thường so với hai loại đào trên. Có lẽ, cái nghề trồng đào là một trong ít nghề mà người dân phải tất bật dồn vào những ngày cuối năm. Đào là một sản phẩm tinh thần đặc biệt, chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Nếu mang bán vào những ngày 27 - 28 tháng 12 âm lịch thì rất có giá trị, nhưng không tiêu thụ trong năm cũ thì đào thành mặt hàng ế ẩm. Những vườn đào hoa nở đẹp sẽ có người đến tận vườn để đặt hàng.

Vào thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Giới Phiên đã từng là cánh đồng mía, đao bạt ngàn. Qua thời gian đưa cây đào về trồng thử cho thấy, cây đào, cây quất sinh trưởng rất phù hợp với chất đất và cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghề trồng đào đã trở nên rất phổ biến ở Giới Phiên trong đó nổi lên là thôn 1 và thôn 4. Từ chỗ chỉ trồng trong vườn nhà, người dân đã chuyển hẳn ra các khu ruộng, những cánh đồng lớn để trồng. Đến nay, chỉ tính riêng thôn 1 và thôn 4 có khoảng 50% số hộ gia đình trồng đào, đặc biệt, ở thôn 1 có những hộ gia đình trồng hàng nghìn gốc đào như hộ ông Nguyễn Đức Huệ...

Đến thăm khu vườn đào của anh Trần Văn Thắng ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) mới thấy hết được tính “nghệ thuật” của người trồng đào. Phục vụ tết Tân Mão năm nay, trong vườn nhà anh có khoảng 300 gốc đào, trong đó có khoảng 100 gốc thế được chăm sóc nhiều năm nay, một số gốc đào mà tuổi từ 10 - 15 năm.

 Anh Thắng cho biết: “Những gốc đào như thế này thường là các công ty và các cơ quan thuê trưng bày trong dịp tết. Dịp tết Canh Dần vừa qua, gốc có số tiền thuê lớn nhất là 5 triệu đồng, ít nhất cũng là 500 nghìn đồng một cây”. Đã có khách hàng trả giá 20 triệu đồng cho cây đào thế 15 năm tuổi nhưng anh Thắng không bán vì sự đam mê với những “tác phẩm” mà mình đã dày công chăm sóc.

 Quang Thiều