Độc đáo nhạc cụ của người Khơ mú

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2011 | 3:13:54 PM

YBĐT - “Xả kin hay, Tay kin na” - Đó là câu nói quen thuộc của đồng bào sống trên cánh đồng Mường Lò, từ nhỏ tôi đã nghe. Câu này có nghĩa “Xá (Khơ Mú) ăn nhờ nương, Thái ăn nhờ ruộng”, phân biệt cách sinh sống, cách sản xuất của hai dân tộc Xả (xá), Tay (Thái).

Lễ tra hạt trong Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú.
Lễ tra hạt trong Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú.

Dân tộc Khơ Mú nhờ đời tiếp đời làm nương, sống gần nương, rừng núi nên đã sáng chế nhiều loại nhạc cụ hết sức độc đáo. Đó là những dân mõ đuổi chuột, chim vào nương (tklơp), đàn gõ (thăm đao đao), sáo (pi tơm), sáo dọc (tót), sáo thổi bằng mũi (tó mạ boi), sáo của phụ nữ thổi (ho rơ)... Cả cây húng để tra hạt giống trên nương cũng sáng chế ra loại nhạc cụ hết sức độc đáo.

Do làm nương phải tra hạt ngô, đậu, thóc... nên dân tộc Khơ Mú dùng cây húng để húng lỗ. Nhiều người giải thích: nếu vãi hạt, người ra khỏi nương thì chim, chuột, sóc sẽ ăn hết hạt giống, đồng bào phải húng lỗ, tra hạt. Việc húng lỗ này, từ xa xưa đồng bào chỉ chọn một cây gỗ cứng, vừa tay cầm tại nương, vót một đầu nhọn để húng.

Gieo hạt giống nương xong, cây húng bị bỏ đi. Nhưng, cũng từ nhiều đời, có những gia đình lại cầu kỳ chọn cây lim, cây táu mọc trên núi đá, cứng như sắt để làm cây húng. Họ dùng năm này qua năm khác. Cây húng này dài đến vài ba sải tay, thon nhỏ vừa tầm tay cầm, được đẽo gọt nhẵn đẹp, vót nhọn một đầu để húng; có nhà còn cầu kỳ bịt sắt vào đầu nhọn để dễ húng mà bền lâu.

Điều đặc biệt, trên ngọn cây húng, gắn một đoạn dài hơn một gang tay, đồng bào gọi là grếch. Grếch rỗng, trong có một mẫu gỗ cứng. Khi húng tra hạt, lõi gỗ này văng lên, đập xuống, phát ra âm thanh. Người húng lỗ có kinh nghiệm, diệu nghệ, tài điều khiển cho “cây nhạc cụ” phát ra những tiếng “bình bôông” nhịp nhàng, vang xa, như bản nhạc rộn ràng rừng núi.

Khi gieo hạt trên nương, đồng bào thường làm đổi công cho nhau, đàn ông đàn bà, nam nữ tấp nập. Nam giới khỏe mạnh cầm cây húng, dàn hàng ngang. Phía nữ cũng dàn hàng, đối diện. Nam vừa húng lỗ vừa lùi. Nữ vừa tra hạt giống vừa tiến. Âm thanh của Grếch tạo nhịp điệu lao động. Người cầm húng có grếch là người đứng tuổi, có kinh nghiệm lão luyện làm chủ, húng giữ nhịp để mọi người cùng làm. Cả tốp người, bên nam, bên nữ, cùng làm cùng nhịp như múa như nhảy, trong tiếng nhạc rộn ràng.

Cảnh lao động ấy thật vui, thật đẹp, kết quả công việc cũng thật tuyệt vời. Do làm theo nhịp, theo khoảng cách đều, những lỗ húng thẳng nhau, có khoảng nhất định như ý muốn, độ sâu mỗi hố đủ bảo vệ hạt giống, cây dễ dàng mọc lên. Buổi lao động biến thành điệu múa, thành buổi sinh hoạt văn hóa dân gian. Một việc làm nặng nhọc biến thành sinh hoạt vui cộng đồng độc đáo. Nét đẹp từ công cụ tra hạt này của dân tộc Khơ Mú rất đáng được bảo tồn, lưu giữ dù trình độ thâm canh ruộng nước của bà con giờ đã rất phát triển.

Trần Cao Đàm