Trung thu

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2011 | 3:18:05 PM

YBĐT - Ngày xưa, chỉ khi gần đến Tết Trung thu người ta mới làm đèn kéo quân, làm ông tiến sỹ giấy, các loại đèn ông sao, đèn xếp, đầu sư tử, trống, mặt nạ hoặc những đồ chơi khác...

Đèn kéo quân còn gọi là đèn cù, hình lăng trụ, chia làm hai phần. Phần ngoài cao khoảng 60 phân, đường kính chừng 50 phân. Sáu mặt được dán căng bằng giấy xuyến chỉ màu trắng (giấy Tàu bạch). Những chiếc nan tre được chuốt kỹ, lắp ráp với nhau và được buộc bằng lạt rất chắc. Những dóng trụ đèn này được quấn bằng các loại giấy màu, giấy kim vàng óng ánh được trổ thành những họa tiết để dán vào phần đầu và chân các trụ đèn khiến cho đèn kéo quân thêm đẹp và lộng lẫy.

Phần trong đèn có một trục tre tròn, nhỉnh hơn chiếc đầu đũa, phía trên gắn một chiếc chong chóng bằng giấy có nhiều mũi để hứng gió. Các hình tướng sĩ, binh pháo được gắn vào những vòng tre đặt dưới cánh chong chóng. Một cây nến màu đỏ được thắp trên đĩa sứ bên trong. Theo nguyên tắc đối lưu, không khí bị đốt sẽ tạo thành luồng gió luân chuyển làm quay chong chóng khiến các vòng tướng sĩ cũng bị quay theo. Bóng của chúng hiện lên trên 6 mặt giấy bên ngoài. Điều kỳ thú khi xem đèn quân là ở chỗ mặc dù tướng sĩ tượng xe đều là hình tĩnh nhưng khi chạy vòng quanh lại gây cho ta ảo giác như chúng biết cử động và có hồn, như đang xem một trận chiến dồn dập và ác liệt.

Và để gây thêm hứng thú cho trẻ, các nghệ nhân còn làm theo các hình con rối có thể cử động được rồi gắn vào đèn kéo quân. Con rối có 2 phần, phần tĩnh và phần động, đều được gắn vào mặt ngoài màn giấy. Phần động được gắn vào phần tĩnh bằng khớp nối. Một sợi dây tóc dài được nối rất khéo từ phần động này vào trục quay chong chóng. Trên trục quay có cái mấu nhỏ, mỗi vòng mấu đi qua lại kéo sợi dây tóc làm cho con rối giật lên, hạ xuống. Đây là những rối dây đơn giản nhưng lại rất gây ấn tượng trong lòng trẻ thơ.

Ông tiến sĩ giấy cũng là một thứ đồ chơi trong Rằm tháng tám. Ông tiến sĩ ngồi, đầu đội mũ cánh chuồn trổ hoa văn. Mặt ngài được làm bằng thứ bột giấy mịn trộn thạch cao. Chỉ có hình khuôn mặt và sống mũi được nổi gò cao, sau đó quét lên một lần sơn trắng để mặt ngài thật mịn màng trắng trẻo. Việc vẽ mặt là tối quan trọng, nét vẽ phải hoạt và sắc sảo. Lông mày và mắt được vẽ màu đen nhánh. Riêng đôi môi phải tô sao cho đỏ thắm. Ấy thế mà khi lắp ráp toàn bộ vào, ông tiến sỹ trông thật tươi tắn, mặt sáng như gương, thông minh và có thần. Riêng áo của ông tiến sĩ có thể làm bằng giấy đỏ, giấy vàng hoặc tía, hoặc bằng giấy trang kim thì càng thêm lộng lẫy.

Ngài tiến sỹ mặc quần nhiễu trắng, đi hài đen có hoa văn chìm, phía sau có một chiếc lọng vàng. Hai bên là hai lá cờ ngũ sắc đuôi nheo. Phía trước có hai tấm biển viết bằng chữ Hán. Ông nào đỗ tiến sỹ thì được vua ban chữ "Tiến sỹ", ông nào đỗ Trạng nguyên thì được vua ban chữ "Trạng nguyên". Trên mâm cỗ trông trăng Rằm tháng tám, ông Tiến sỹ được đặt ở một vị trí trang trọng, sau đó mới đến các loại bánh Trung thu.

Những ngọn nến lung linh, tiếng trống múa lân, tiếng hò hét làm cho cỗ trông trăng càng thêm huyền ảo. Đồ chơi này có ý nghĩa giáo dục sâu xa con cháu phải cố gắng học hành để sau này sẽ đỗ đạt tiến sỹ, làm rạng rỡ cho cha mẹ, xóm làng. Ngoài hai thứ đồ chơi trên, những nghệ nhân còn làm nên các đồ chơi từ những đồ vật phế thải khác. Họ khéo léo cắt, gọt các vỏ đồ hộp để tạo thành những thứ đồ chơi rẻ tiền cho trẻ nhỏ như chú thỏ ngồi xe đánh trống, cô tiên múa trong quả đào, cô tiên múa trong vỏ trai đến chiếc canô, tàu thủy chạy được...     

Ngày nay những đồ chơi dân gian truyền thống này cứ mai một dần. Chúng được thay bằng rất nhiều đồ chơi điện tử ngoại nhập như tàu bay, ô tô, người máy rô bốt… kể cả  những đồ chơi bạo lực. Để rồi mỗi dịp Trung thu nghe tiếng “tùng rinh, tùng rinh” lại thấy nhớ thương những đèn kéo quân, tiến sĩ giấy…

Nguyễn Tấn Tuấn