Giao thông nông thôn - yếu tố tiên quyết

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2012 | 10:23:20 AM

YBĐT - Có dịp về thăm xã Xuân Ái, huyên Văn Yên (Yên Bái) đi trên những con đường bê tông vừa mới hoàn thành tại các thôn mới thấy được niềm vui, niềm tự hào của người dân nơi đây bởi đó chính là thành quả khi Ý Đảng, lòng dân là một. >>>Tổng thể bức tranh giao thông nông thôn Yên Bái

Mở rộng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.
Mở rộng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.

Đồng chí Vũ Viết Cường, Chủ tịch UBND xã nhớ lại, những năm trước, khi chưa có cầu ngang sông, chưa có đường ô tô, mỗi lần đi công tác gặp rất nhiều khó khăn, bởi đường đất lô nhô, mùa mưa xe trơn trượt bánh, có khi ngã nhưng giờ đã khác rồi.

Các thôn, xóm đều có đường bê tông vào đến từng ngõ, không còn cảnh lầy lội nữa. Từ phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, gần 40% đường giao thông liên thôn, liên xóm của xã đã được bê tông hoá.

Cũng từ đây, đời sống của bà con nhân dân trong xã không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt 380kg/người/năm; tỷ lệ nhà xây kiên cố đạt trên 30%.

Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Văn Yên, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, huyện Văn Yên đã tích cực vận động nhân dân tham gia làm đường GTNT. Đến nay đã có 159,5km đường đến trung tâm các xã và 40 km đường liên thôn được rải nhựa và bê tông hóa. Đường GTNT được mở mang đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Ngược lên vùng cao Trạm Tấu, những con đường được mở rộng đến tận trung tâm xã, nối liền những thôn, bản đã tạo điều kiện cho đời sống của người dân vùng cao bớt nghèo, bớt khổ hơn. Đồng chí Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đường giao thông được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của nhân dân.

Đến nay, bình quân lương thực đầu người đạt 544kg/năm, thu nhập bình quân cũng tăng lên 5,55 triệu đồng/người/ năm. Theo báo cáo, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã mở mới trên 1.000 km đường ô tô, 631 km đường thôn, bản và kiên cố hóa trên 700 km đường ô tô cùng với hàng trăm loại cầu, cống, ngầm tràn...

Hiệu quả từ những tuyến đường này đã tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa được hình thành, nhiều khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo nên một diện mạo mới cho tỉnh miền núi Yên Bái.

Với xuất phát điểm là một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, đến nay Yên Bái đã có thể tự túc trên 90% lương thực, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao…

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, nhiều con đường của “Ý Đảng, lòng dân” đã được xây dựng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình nông thôn mới, phát triển giao thông luôn được đặt lên vị trí hàng đầu bởi thực tế hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ đường được kiên cố hóa còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo đánh giá chung của các cấp chính quyền, hệ thống GTNT yếu kém đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cụ thể tại xã Hát Lừu - xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Trạm Tấu nhưng hiện mới có gần 4/15km đường liên thôn, bản được kiên cố hóa.

Điều này đã ảnh hưởng khá lớn đến việc đi lại, giao lưu buôn bán của người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã - Lò Văn Chiến cho biết: Giao thông đi lại khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 77%.

Theo anh Sùng A Ư - Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trạm Tấu, trong tổng số trên 340km đường liên thôn, bản mới có 4km được kiên cố hóa, còn lại chủ yếu là đường đất nhỏ, hẹp.

Vùng cao đã vậy nhưng địa phương có phong trào làm đường giao thông khá tốt như huyện Văn Yên hiện cũng mới chỉ có trên 40km đường được kiên cố hóa trong tổng số hơn 500km đường giao thông liên thôn, bản.

Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, giao thông đi lại khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giao lưu buôn bán mà còn gây trở ngại trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên:

 

Những hạn chế về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường GTNT đã khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Công nghiệp chưa phát triển, thu hút đầu tư yếu, trong khi đó sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận dân cư còn thấp, tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm vẫn còn nhiều…

 

Ông Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên:

Giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Do vậy, đời sống của người dân vẫn chưa được nâng cao, hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục ở vùng cao còn thấp.

 

Chị Lò Thị Duyên, thôn Hát 1 (xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu):

 

Vào mùa mưa, nơi đây thường xuyên bị cô lập bởi đường vừa nhỏ, vừa trơn. Những lúc như thế bọn trẻ lại phải đến trường trong tình trạng lấm lem bùn đất. Rồi những khi bệnh tật, ốm đau muốn đi khám, đi mua vỉ thuốc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Nhóm P.V Kinh tế