Ảm đạm mùa chè

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2012 | 2:45:13 PM

YBĐT -  Người ta bảo làm nông nghiệp là lấy công làm lãi, thế nhưng giờ chuyện đó đã “xưa” rồi, nhất là với nhiều người làm chè bởi toàn bộ công việc thu hái là thuê máy hái. Tuy chưa có ai thống kê hết xem trên vùng chè Yên Bái có bao nhiêu chiếc máy hái chè nhưng chắc chắn con số này không phải là nhỏ.

Nông dân huyện Yên Bình thu hái chè.
Nông dân huyện Yên Bình thu hái chè.

Đầu tháng 7, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi về vùng chè Văn Hưng Yên Bình - vùng chè đã từng là niềm tự hào của quê hương Yên Bái những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Không tự hào sao được khi những nương chè, đồi chè ở đây được trồng và đầu tư rất bài bản, những đồi chè bát úp nối đuôi nhau chạy dài ra hồ Thác Bà búp lên xanh tua tủa.

Vùng chè này cũng từng là “biểu tượng” của các nông trường quốc doanh thời bấy giờ từ chất lượng đến năng suất, sản lượng cũng như chế biến. Không những vậy, Nhà máy chè Văn Hưng, nay là Công ty cổ phần Xuất khẩu chè Văn Hưng đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Thế nhưng, giờ đây vùng chè ấy chỉ còn trong ký ức của người làm chè.

Chị Quách Thị Hải tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi làm chè và gắn bó với Nhà máy chè Văn Hưng gần 30 năm nay rồi, thế nhưng cuộc sống cũng không khấm khá được. Ngôi nhà cấp 4 này gia đình vừa xây xong năm ngoái nhưng không phải từ tiền làm chè mà gia đình phải bán miếng đất ở ngoài km18 để làm. Càng ngày người làm chè càng khó khăn, vất vả hơn. Hiện nay, gia đình đang nhận làm với Công ty 1 ha chè nhưng sau khi trả tiền thuế đất, tiền khấu hao đồi chè rồi chi phí quản lý cũng chẳng còn được là bao. Năm trước (năm 2011- P.V) tiền thuế đất cho 1 ha chè chỉ phải nộp 580 ngàn đồng nhưng vừa rồi, họp đội được thông báo là phải nộp những hơn 1 triệu đồng, chẳng biết họ tính thuế thế nào mà cao thế? Từ đầu vụ chè đến giờ gia đình mới thu hái được ba lứa, một lứa hái tay, hai lứa hái máy được tổng cộng 2,5 tấn chè bán giá bình quân 3 ngàn đồng/kg thu được 7,5 triệu đồng. Từ nay đến cuối vụ cùng lắm cũng chỉ thu được 3 lứa hái máy nữa, cứ giá như hiện nay được thêm 9 triệu đồng. Như vậy cả vụ chè gia đình chỉ thu hơn 16 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, thu hái chẳng còn là mấy. Không hiểu sao giá chè búp trong ba, bốn năm liền không tăng đồng nào, nếu mà giá hàng hóa các loại cũng ổn định như giá chè thì tốt biết bao” - Chị Hải mắt nhìn ra những nương chè chua chát nói. Người làm chè không sống được bằng chè thì lấy đâu phân mà bón cho chè, búp chè nhỏ như que tăm dài cả gang tay cũng là lẽ thường tình - chị Hải nói thêm.

Rời nhà chị Hải chúng tôi đến vùng chè đội 2 Văn Hưng, dưới tán cây rừng ven đồi chè có gần chục người cả nam lẫn nữ đang ngồi nghỉ, một vài người trên lưng vẫn đeo máy hái chè chuyện trò khá rôm rả. Tuy nhiên, khi chúng tôi lại gần và sau những câu chào hỏi xã giao tất cả ngồi im không ai nói câu nào, vẻ mặt rất suy tư.

Tôi hỏi thăm chè năm nay có tốt không các anh? Giá bán bao nhiêu? Một người đàn ông ngoài 50 tuổi cầm túi thuốc lào tay vê vê, châm lửa rít  rồi ngửa mặt lên trời nhả khói mù mịt cất giọng chậm rãi: Buồn lắm anh à, giá chè thấp là vậy thế mà từ tháng 6 năm ngoái đến nay chúng tôi vẫn không có “lương” đây!

- Không có lương là sao hả anh?

- Chúng tôi bán chè cho nhà máy (Công ty cổ phần chè Văn Hưng-P.V), Nhà máy nợ tiền thì làm gì có lương. Không có lương thì chúng tôi sống bằng gì khi cả nhà mấy miệng ăn đều trông vào mấy sào chè này? Không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi không “dám” ốm bởi ốm là chết vì không có thẻ khám bệnh. Vừa rồi có trường hợp bị thai chết lưu vì không có tiền đi khám bệnh đấy. Chưa hết đâu, ở dưới thôn Ao Khoai còn có mấy trường hợp đã đi giám định và được nghỉ hưu rồi nhưng nay vẫn không được nghỉ vì Công ty không đóng BHXH cho, có người què cả hai chân thế mà hàng tháng vẫn phải nộp BHXH đấy! - Chị Thảo bức xúc nói.

Đang rôm - anh Úy nói chen vào: Thú thật, lúc đầu nhìn thấy anh chúng tôi cứ tưởng bảo vệ Nhà máy đến “canh chè” nên anh em cảnh giác.

Sao lại “canh chè”? Tôi hỏi lại? Anh Úy cười nói: Canh đấy anh à, toàn bộ diện tích chè này là chúng tôi nhận khoán với Công ty, về nguyên tắc là chè thu hái phải bán cho Nhà máy. Biết là thế nhưng Nhà máy mua giá thấp, tiền lại nợ, nên mỗi lứa thu hái chúng tôi phải bán ra ngoài để lấy tiền tiêu chứ! Biết làm thế là sai nhưng không bán ra ngoài thì chúng tôi sống bằng gì, do đó, mới có chuyện bảo vệ đi “canh chè”.

Hiện nay, giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng, từ bó rau cho đến phân bón nhưng giá chè thì không tăng nếu như không muốn nói là tụt đi. Giá bán không tăng, cuộc sống người làm chè khó khăn, vất vả thì lấy đâu phân mà bón, chăm sóc, búp chè bé như que tăm, dài nghều ngào cũng là điều dễ hiểu. Đi cả vùng chè rộng vài trăm ha nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không gặp một hộ gia đình nào thu hái bằng tay mà sử dụng toàn bộ bằng máy.

 Người ta bảo làm nông nghiệp là lấy công làm lãi, thế nhưng giờ chuyện đó đã “xưa” rồi, nhất là với nhiều người làm chè bởi toàn bộ công việc thu hái là thuê máy hái. Tuy chưa có ai thống kê hết xem trên vùng chè Yên Bái có bao nhiêu chiếc máy hái chè nhưng chắc chắn con số này không phải là nhỏ.

Ngay tại vùng chè Văn Hưng cũng có cả trăm chiếc, thậm chí có hàng chục đội chuyên đi hái chè thuê cũng kiếm vài ba trăm ngàn đồng mỗi ngày. Việc hái máy là tốt, giúp giải phóng sức lao động, tuy nhiên để hái máy hiệu quả, người làm chè phải chăm sóc chè tốt, hái theo đúng quy trình.

Từ thực tế cho thấy, việc giao khoán đồi chè cho công nhân, nhân dân trong vùng là hết sức hợp lý. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn nhận với diện tích lớn nên đã có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các đồi chè đã quá già cỗi, năng suất thấp, cộng thêm nhiều hộ làm ăn "chụp giật" không chịu đầu tư, chăm sóc mà chỉ bóc mầu chè, dẫn đến năng suất chè đã kém lại càng kém hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, Công ty và người công nhân, nông dân trong vùng chè cần phải ngồi lại với nhau, tính toán hợp tình, hợp lý từ tiền khấu hao đồi chè, thu hái, đầu tư, tiền nợ đọng để có hướng giải quyết cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, không riêng gì những doanh nghiệp chè mà có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, hàng hoá sản xuất ra không tiêu thụ được, vốn vay ngân hàng lãi suất cao, do đó mỗi người công nhân, nông dân cũng cần chia sẻ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Thanh Phúc