Giải pháp nào cho chợ Yên Bái?

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/8/2012 | 10:56:32 AM

YBĐT - Nếu hôm nay ai đó ví von “Đông như họp chợ!” thì chưa đúng trong trường hợp hiện nay ở chợ Trung tâm thành phố Yên Bái. Đã đến lúc cần có một giải pháp tích cực để thay đổi tình hình…

Những gian hàng đầy ắp hàng hóa nhưng không có khách mua.
Những gian hàng đầy ắp hàng hóa nhưng không có khách mua.

Những nguyên nhân ít khách mua hàng

 Đem câu chuyện “Chợ Yên Bái vắng khách và ế hàng” trao đổi với bà con tiểu thương, cán bộ Ban quản lý chợ và cả những người quan tâm đến tình hình kinh tế thương mại, có thể đưa ra kết luận: Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng này. Trước hết, do tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập của người lao động giảm, trong khi cuộc sống còn nhiều khoản chi tiêu khác như: điện, nước, xăng, viện phí, học phí... tăng mạnh nên người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu mua sắm.

Một yếu tố khách quan rất quan trọng khác dẫn đến tình trạng chợ vắng khách do các cửa hàng, cửa hiệu, đặc biệt là các siêu thị mọc lên như nấm. Đối nghịch với việc đi chợ, phải gửi xe (từ 3 đến 5 nghìn đồng/lượt), khi đến các siêu thị, nhân viên bảo vệ ra đón tiếp, dắt xe giữ xe miễn phí, các cửa hàng, cửa hiệu nhà ngay mặt phố, đi làm về đỗ xe là có thể vào mua ngay.

Trong khi đó yếu tố nhanh chóng và thuận tiện luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống thời hiện đại. Ngoài ra, còn muôn vàn kiểu bán hàng khác như bán hàng qua mạng Internet, hàng xe đẩy phục vụ tại nhà... Về mặt chủ quan, có thể nói hàng hóa ở chợ Yên Bái (cụ thể là hàng quần áo) kém hấp dẫn người tiêu dùng, hàng ở chợ nhiều nhưng kém về chủng loại.

Đặc biệt là sự văn minh thương mại của các bà, các cô ở chợ đôi khi chưa tốt, thâm chí còn chửi bới khách, chuyện đánh khách không phải là không xảy ra, chuyện nói thách giá lên gấp hai, ba lần là thường tình, rồi các hành vi như: chèo kéo, ép mua, đốt vía nếu không mua... khiến không ít “thượng đế” ngại đi chợ.

Cô Hải Yến ở phố Hồng Thanh, phường Hồng Hà cho biết: “Cách đây 3 năm tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng mua lại một ki ốt để mở hàng quần áo với hy vọng ổn định cuộc sống, nuôi hai đứa con nhỏ ăn học, nào ngờ kinh doanh khó khăn, không có lãi, đành lòng bán thanh lý hàng tồn, bán giảm giá ki ốt về nhà bán vại cà, lọ dưa cải”.

Cô Yến cũng cho biết, hàng chục người khác cũng trong hoàn cảnh tương tự như mình. Riêng ở tầng một (khu hàng sứ - thủy tinh, nhựa, mã...) tình hình có khá hơn nhờ chủng loại hàng đó không lỗi mốt, không bán theo mùa... nhưng tỷ lệ lãi không cao”.

Rất cần một giải pháp

Ông Hà Công Tiến - Phó Ban quản lý chợ Yên Bái cho biết: “Chợ Yên Bái gồm 2 khu A và B với 483 điểm bán hàng. Hiện chỉ có 29 điểm bán hàng tại khu A là nhà tạm, không an toàn nên không có người thuê, số còn lại tiểu thương đã thuê hết”. Được biết, chợ có một tổ chức Hội phụ nữ thành lập đã nhiều năm, hoạt động của hội cũng bình thường, (chủ yếu là thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, hoạn nạn và việc hiếu hỷ) và một Hội Tiểu thương mới được thành lập.

Cũng theo ông Tiến, người kinh doanh, buôn bán ở chợ Yên Bái phải thực hiện các nghĩa vụ chính sau: nộp tiền thuê ki ốt (nhiều trường hợp không thuê trực tiếp được nên phải thuê lại với giá cao hơn nhiều lần giá ban đầu là 45 triệu đồng/10 năm); nộp thuế môn bài hàng năm; thuế và các khoản phí như bảo vệ (40 nghìn đồng/tháng/ki ốt), vệ sinh (40 nghìn đồng/tháng/ki ốt).

Nhiều ki ốt ở chợ Yên Bái đóng cửa

Những con số này cho thấy, chợ Trung tâm thành phố Yên Bái là một chợ lớn, giải quyết việc làm cả nghìn lao động (ít nhất mỗi ki ôt có hai người bán và một người phục vụ) và đóng góp một khoản ngân sách đáng kể cho Nhà nước. Xét về khía cạnh văn hóa, thì chợ trung tâm luôn là một biểu tượng cho mỗi đô thị (chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, chợ Đông Ba...).

Qua mỗi chợ trung tâm người ta có thể đánh giá khái quát được sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực thương mại của từng địa phương. Khi bà con tiểu thương chợ Trung tâm thành phố Yên Bái gặp khó khăn, người dân ít đi chợ trung tâm... thì cũng là lúc cần phải triển khai các giải pháp tháo gỡ.

Trước hết cần có chính sách giúp đỡ bà con tiểu thương ở chợ như: nâng cao năng lực hoạt động của Hội Phụ nữ và Hội Tiểu thương để hai tổ chức xã hội này không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, động viên, hiếu hỷ mà tiến thêm trong việc kiến nghị với Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh của các tiểu thương. Bà con trong chợ nhất thiết phải thể hiện được sự văn minh thương mại trong bán hàng, tuyệt đối không có những hành vi thiếu văn hóa.

Song song với việc đa dạng hóa về chủng loại về ngành hàng là việc tiến tới xây dựng thương hiệu chợ Yên Bái là chợ văn minh, chợ không nói thách, không mặc cả...

Ông Vũ Anh Côi - Chủ ki ốt số 80, 81, 82 khu B chợ Yên Bái cho biết: “Trong lúc khó khăn thế này chúng tôi rất mong muốn có sự quan tâm, chia sẻ từ phía thành phố, nhất là sẻ chia về các khoản thu. Cá nhân tôi và nhiều anh chị em ở đây sẵn lòng không nói thách, cùng nhau xây dựng thương hiệu chợ Yên Bái văn minh và phát triển nhưng không biết bắt đầu ở đâu và không có được tiếng nói chung”.

Những ý kiến của ông Côi cần được Ban quản lý chợ, UBND thành phố và ngành thuế lưu tâm, xem xét.

Lê Phiên