Hạt vàng lưng núi

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/9/2012 | 2:40:36 PM

YBĐT - Làm sao đưa bà con trong thôn thoát nghèo luôn là bài toán khó đã được lãnh đạo thôn Khe Lóng 3 và xã xã Mỏ Vàng nhiều lần họp bàn và cuối cùng đi đến thống nhất: lãnh đạo xã cùng thôn đã đến từng nhà vận động bà con khai hoang ruộng nước.

Đồng bào Mông trong thôn thu hoạch lúa nước.
Đồng bào Mông trong thôn thu hoạch lúa nước.

Đã từ lâu, thôn Khe Lóng 3, xã Mỏ Vàng - nơi có 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông được biết đến như một địa bàn khó khăn, hẻo lánh và nghèo vào bậc nhất của huyện Văn Yên. Từ khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai sâu rộng, Đảng ủy, chính quyền xã và thôn đã vận dụng tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhân dân trong thôn đã bỏ dần hình thức canh tác lúa nương, tận dụng diện tích thuận lợi, cần cù khai hoang ruộng nước, giúp cuộc sống đồng bào dân tộc vùng sâu ngày càng ấm no, làm đổi thay dần diện mạo của một bản nghèo nơi lưng chừng núi.

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Vàng A Lử - thôn Khe Lóng 3 đúng lúc gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa. Không khí bữa cơm gia đình thật vui vẻ và ấm cúng, mọi người trong nhà ai nấy đều phấn khởi không chỉ bởi được thưởng thức bát cơm thơm mùi gạo mới mà còn bởi gia đình năm nay có một vụ lúa bội thu.

Thấy có khách, ông Lử đặt bát cơm, đon đả đến tiếp chuyện, ông kể: "Tập tục làm ăn của đồng bào Mông trong thôn mình chủ yếu là làm nương rẫy. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đủ gạo ăn nửa vụ, thời gian còn lại bà con chỉ biết lên rừng kiếm củ sắn, củ mài, rau rừng để ăn qua ngày, cuộc sống đói khổ lắm. Từ khi được xã và thôn tuyên truyền chuyển đổi sang khai hoang ruộng nước, gia đình mình và một số bà con đã nghe theo. Cấy lúa nước năng suất cao hơn, bây giờ nhà mình đã đủ gạo ăn quanh năm, đời sống đã đỡ vất vả hơn rất nhiều rồi".

Với hơn 4 sào ruộng được khai hoang từ hai năm trước, giờ đây mỗi vụ gia đình ông Lử thu về trên dưới 1 tấn lúa, không chỉ giúp gia đình ông đủ gạo ăn quanh năm mà còn thừa thóc bán đi tiết kiệm được ít tiền làm vốn phát triển kinh tế. Cũng như gia đình ông Lử, nhiều hộ ở thôn Khe Lóng 3 đã thoát khỏi cảnh nghèo đói do chuyển đổi hình thức canh tác. Khai hoang lúa nước không những giúp năng suất lúa tăng lên mà còn giảm được rất nhiều công lao động. Đưa chúng tôi đi thăm hầu hết những khu vực bà con trong thôn tập trung khai hoang ruộng nước ở Khe núi Đá Đen, Đá Hồng, Dê Đâu...

Anh Vàng A Của - Trưởng thôn Khe Lóng 3 chỉ tay về phía vạt ruộng bậc thang lưng đồi Khe Máy đang độ chín vàng nói: "Để có được những vạt lúa nước thế này, bà con mình vất vả lắm, chỉ bằng bàn tay sử dụng dao, xà beng, cuốc, xẻng mà thôi. Mới đầu vận động bà con khai hoang ruộng bà con chưa tin đâu, mình và một số đảng viên phải làm trước rồi họ mới bắt đầu làm theo. Bây giờ chỗ nào có thể khai hoang là bà con tận dụng để canh tác hết, diện tích lúa nước trong thôn cứ ngày một nhiều hơn. Lúa nước đã giúp dân bản mình dần thoát nghèo rồi".

Bà Mua Thị Say, thôn Khe Lóng 3 chia sẻ: "Làm lúa nương vất vả lắm, một nương lúa nếu được mùa mới thu được 20 đến 30 cum lúa thôi, cả gia đình mình lên nương làm việc quanh năm vẫn không đủ ăn. Thu hoạch nốt vụ này mình sẽ học tập bà con trong thôn tìm những nơi thuận lợi để khai hoang ruộng nước thôi. Cố gắng cấy lúa để có đủ thóc cho con ăn và có tiền cho con đi học".

Ông Vàng A Lử bên những tải thóc vừa thu hoạch.

Mới chỉ 2 năm trước đây, 81 hộ gia đình với trên 400 nhân khẩu của thôn Khe Lóng 3 đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn do thiếu đất sản xuất và phương thức canh tác lạc hậu. Cuộc sống của cả thôn chỉ dựa vào phát rừng, làm rẫy. Đói ăn, thiếu thốn trăm bề, nhất là những khi giáp hạt, khổ nhất là vào những năm thời tiết khắc nghiệt, ngô, lúa trên nương không cho thu hoạch thì củ mài, củ sắn, rau rừng là thức ăn chủ yếu của bà con dân bản. Nỗi lo về cái ăn, cái mặc luôn ám ảnh tâm trí người dân trong thôn.

Làm sao đưa bà con trong thôn thoát nghèo luôn là bài toán khó đã được lãnh đạo thôn và xã nhiều lần họp bàn và cuối cùng đi đến thống nhất: trước hết, phải vận động bà con chuyển đổi hình thức canh tác lúa nương sang khai hoang ruộng lúa nước để có đủ gạo ăn mới yên tâm phát triển kinh tế. Từ đó, lãnh đạo xã cùng thôn đã đến từng nhà vận động bà con khai hoang ruộng nước.

Được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền huyện Văn Yên và xã Mỏ Vàng giúp bà con một phần kinh phí làm đường ống dẫn nước tưới tiêu, một số hộ gia đình trong thôn đã quyết tâm chuyển đổi tập quán canh tác, bỏ công sức khai hoang ruộng nước. Khai hoang nơi đất bằng phẳng đã khó, việc khai hoang ở lưng núi, bờ khe còn khó gấp trăm lần.

Là thôn đặc biệt khó khăn, ô tô không đến được trung tâm, máy móc và cả trâu, bò giúp sức khai hoang ruộng đều không có vì vậy, phương tiện được bà con sử dụng khai hoang chủ yếu là những nông cụ thô sơ như dao, xà beng, cuốc, xẻng.

Cần cù đắp bờ, khoanh vùng, đồng bào Khe Lóng 3 kiên trì tạo nên từng khoảnh ruộng có khi chỉ vài chục mét vuông. Có ruộng rồi, đồng bào phải đào mương, bắc máng dẫn nước cách 2-3 cây số về ruộng. Biết bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ xuống để khai hoang được một mảnh ruộng nước. Làm được ruộng, bà con lại bảo nhau trồng rừng, giữ rừng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất.

Ông Đặng Nho Hưng - Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng chia sẻ: "Khai hoang lúa nước đã trở thành phong trào lớn trong thôn Khe Lóng 3. Thực sự đến thời điểm này lãnh đạo xã cũng như thôn đã yên tâm phần nào rồi. Tin tưởng rằng mỗi ngày sẽ có thêm nhiều diện tích ruộng nước được khai hoang, giúp đồng bào trong thôn vươn lên thoát nghèo. Xã sẽ tích cực vận động và giúp đỡ bà con thay đổi  hình thức canh tác phát triển kinh tế".

Sau hai năm nỗ lực, nhân dân thôn Khe Lóng 3 đã khai hoang được trên 5 ha lúa nước. Cùng với việc vận động bà con khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, xã cũng chú trọng hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa các giống lúa mới năng suất cao vào trồng, làm cỏ, bón phân, dùng thuốc trừ sâu, làm cỏ cho lúa, nâng cao năng suất, góp phần tạo sự chuyển biến trong đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương.

Có thóc gạo để ăn, đời sống của bà con dần được nâng lên, một số hộ đã mua sắm được các tài sản có giá trị như xe máy để đi lại, ti vi để xem học tập phương thức phát triển kinh tế, máy xay xát để phục vụ bà con. Từ chỗ 100% số hộ là hộ nghèo 2 năm trước, đến nay trong thôn đã có 30% hộ thoát nghèo, không còn nhiều hộ đói ăn quanh năm như trước nữa, một số hộ kinh tế đã khá giả, điển hình như gia đình trưởng thôn Vàng A Của, gia đình các ông: Vàng A Chu, Mùa A Sùng, Mùa A Lan, Vàng A Lử…

Phạm Mạnh - Mỹ Vân