Tìm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam: Vì sao VFF vất vả?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/1/2013 | 8:38:25 AM

Sau khi HLV Phan Thanh Hùng rút lui, chiếc ghế tuyển trạch của ĐTQG trở nên lạnh tanh suốt cả tháng qua.

Ban huấn luyện của đội tuyển tại AFF Cup 2012 đều từ chối ngồi “ghế nóng” vì cách làm của VFF.
Ban huấn luyện của đội tuyển tại AFF Cup 2012 đều từ chối ngồi “ghế nóng” vì cách làm của VFF.

HLV Hoàng Anh Tuấn nói không vào giờ chót, sau đó đến lượt Lê Huỳnh Đức, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng cũng ý nhị chối từ. Ngay đến quan điểm chọn nhà cầm quân trong nước hay nước ngoài, có kiêm nhiệm hay không kiêm nhiệm cũng đang bế tắc.

Hấp dẫn, nhưng ai cũng né

Một thực tế mà bất kỳ nhà chuyên môn nào cũng thừa hiểu, thời điểm hiện nay không thể chọn các tên tuổi như đã nêu vào đội tuyển, cho dù chỉ là tạm thời. Phía sau lưng họ là CLB đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho mùa bóng mới. Sự vắng mặt của bất kỳ nhà cầm quân nào trong lúc này đều phải được sự thông qua của ông bầu. Tóm lại, người có việc thì… đang bận việc. Người thất nghiệp thì VFF lại không mạo hiểm mời.

Đấy là chưa nói, dù chỉ tạm quyền 2 trận nhưng HLV cầm chắc rủi ro sau khi VFF công bố danh sách 50 cầu thủ sơ bộ không đủ chất lượng để thi đấu sòng phẳng với các đối thủ sắp đến tại vòng loại Asian Cup. Thậm chí chẳng cần xem cầu thủ ấy đã sẵn sàng chưa, như trường hợp Huỳnh Quang Thanh đang còn dưỡng thương mà theo đánh giá của bác sĩ thì phải đến giữa năm nay mới có thể tập nhẹ trở lại. Hay Bùi Xuân Hiếu, sau cú tai nạn giao thông tại Pleiku đến giờ chuyện thi đấu trở lại vào thời điểm nào cũng chưa ai dám chắc. Với cách chuẩn bị như thế, bất kỳ HLV nào cũng hiểu, họ chỉ là “kẻ đóng thế” không hơn không kém.

VFF tự làm khó mình

Theo nhiều chuyên gia, lẽ ra VFF không “khốn khổ” như thế nếu như họ phát huy tốt công năng của các ban, phòng của mình. Tổ chức này có những bộ phận như Hội đồng HLV hay phòng các đội tuyển quốc gia có chức năng tìm HLV và triệu tập cầu thủ. Lẽ ra, VFF phải luôn duy trì các đội tuyển (về lý thuyết) để phòng ngừa các trường hợp như đá giao hữu đột xuất hay mang tính chất phục vụ quyền lợi tài trợ. Từ trước đến nay, VFF cứ làm theo kiểu đến sự kiện lại tập trung dài hạn, vừa tốn kém vừa thiếu sự liền mạch. Ví dụ như trong trường hợp vòng loại Asian Cup này, chỉ cần cử một chuyên gia từ Hội đồng HLV và triệu tập đội tuyển vừa đá AFF Cup là xong.

VFF tự làm khó mình, đã không có thời gian để chuẩn bị, lại không đặt mục tiêu gì tại vòng loại Asian Cup nhưng họ lại choàng quá nhiều mục đích cho đợt tập trung này. Nào là tìm HLV trưởng kế nhiệm ông Phan Thanh Hùng, nào là tạo cơ hội cho U-22 cọ xát… Vì lẽ đó, đến khi không còn kịp VFF lại bối rối không biết phải làm gì.

Sự việc trên cũng đã cho thấy bất cập mà chúng tôi vẫn hay đề cập đó là VFF chưa bao giờ có kế hoạch thi đấu quốc tế hàng năm một cách bài bản cho hệ thống các đội tuyển, cứ để “nước đến chân mới nhảy”.

(Theo SGGP)