Kỷ niệm 145 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2015)

"Lê-nin dạy chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Ðảng, vào tương lai tất thắng của cách mạng và Tổ quốc, vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân".

Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng Lê-nin

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 gắn liền với những sáng tạo trong lý luận và chỉ đạo thực tiễn của V.I. Lê-nin. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu cái tinh thần của chủ nghĩa Lê-nin và vận dụng sáng tạo trong cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn chuẩn bị, trong thời điểm phát động khởi nghĩa và sau khi giành được chính quyền, V.I.Lê-nin đã nhạy bén và sáng suốt trong việc phát triển lý luận, điều chỉnh hoạt động thực tiễn cho phù hợp với từng bước phát triển của cách mạng. V.I.Lê-nin đã không chỉ có sáng tạo lớn về lý luận và thực tiễn trong quá trình lãnh đạo thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Mười, mà còn trong cả công cuộc bảo vệ các thành quả cách mạng, xây dựng xã hội mới. Thực tiễn sinh động của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đã cung cấp những "chất liệu" để V.I.Lê-nin làm phong phú thêm lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác. Những luận điểm cách mạng mới được vận dụng trong thực tiễn giúp hình thành đường lối đúng đắn, những quyết sách kịp thời đã thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng quy luật, phù hợp với điều kiện lịch sử mới.

V.I.Lê-nin từng rút ra một kết luận quan trọng: "... chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa, hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói"(1). Khi lực lượng phản cách mạng đã lộ rõ âm mưu tiêu diệt cách mạng, khi các điều kiện bảo đảm cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang đã hội đủ, nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền được V.I.Lê-nin chuyển hóa từ lý luận thành hiện thực. Ðặc biệt, V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh một quan niệm của C. Mác: Khởi nghĩa là một nghệ thuật. Ðó là sự sáng tạo trong việc vận dụng đường lối trước các diễn biến khẩn trương của tình hình nhưng vẫn tuân thủ chặt chẽ các nguyên lý. Và phải nói rằng, tháng 10-1917 (theo lịch cũ ở Nga) tại Pê-trô-grát và sau này, tháng 8-1945 tại Hà Nội, những người theo học thuyết cách mạng của V.I. Lê-nin đã trực tiếp làm sáng rõ, làm nổi bật được nghệ thuật đó.

Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 cho thấy: Giành chính quyền đã khó, giữ vững được chính quyền còn khó hơn. Nước Nga sau nội chiến bị tàn phá nặng nề, bị bao vây; nạn đói và dịch bệnh làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế và chính trị. Tại Ðại hội lần thứ X của Ðảng Bôn-sê-vích (3-1921), V.I.Lê-nin đã trình bày đường lối kinh tế - chính trị mới của Nhà nước Xô-viết là Chính sách kinh tế mới (NEP). Chỉ sau một năm thực hiện NEP, dựa trên cơ sở các luận điểm khoa học của mình, V.I.Lê-nin khẳng định: "Từ nước Nga của chính sách kinh tế mới sẽ nảy ra nước Nga xã hội chủ nghĩa", và thực tiễn lịch sử đã chứng minh điều đó. Chỉ bốn năm sau khi thực hiện NEP, năm 1925, nước Nga Xô-viết đã hoàn thành công cuộc phục hồi nền kinh tế quốc dân để bước sang thời kỳ trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với NEP, V.I.Lê-nin cho thấy rằng, những người cộng sản khi điều hành kinh tế càng phải năng động, sáng tạo và có sự uyển chuyển cần thiết. Bài học đó mang nhiều giá trị với những người cộng sản trong những giai đoạn cách mạng sau, cho tới hôm nay.

Phải khẳng định rằng, việc V.I.Lê-nin phát triển khẩu hiệu chiến lược của C.Mác "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại" thành "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại" đã khái quát một nội hàm rộng lớn hơn, khi phạm vi, tính chất cuộc đấu tranh đã có nhiều thay đổi trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và mang tính toàn cầu. Những luận điểm của V.I.Lê-nin được thể hiện rất cụ thể trong "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa". Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế, V.I.Lê-nin đặt ra vấn đề liên minh giữa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước tư bản công nghiệp phát triển với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Từ lần gặp gỡ đầu tiên, Luận cương của V.I.Lê-nin đã chinh phục hoàn toàn Nguyễn Ái Quốc. Người đã thấy được cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận những bài học sâu sắc từ V.I.Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Bằng vốn kiến thức lý luận và từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú của mình, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở "chính quốc", nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình, cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Những luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chiến lược giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được hiện thực hóa trong đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam và đã thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả bằng thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc, kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp nhận những bài học sâu sắc từ V.I. Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không sao chép V.I.Lê-nin, mà Người tiếp thu cái tinh thần của chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cái cẩm nang thần kỳ nhưng Người cũng luôn nhấn mạnh rằng cần phải vận dụng sáng tạo "cẩm nang thần kỳ" đó. Trả lời phỏng vấn báo Nhân đạo (L'Humanite') vào ngày 15-7-1969, Người khẳng định: "Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lê-nin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin"(2). Trước những đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi sâu sắc và nhanh chóng, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vẫn mang trong đó những ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực.

(Theo NDĐT)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khẳng định vai trò, đóng góp của Việt Nam vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Khẳng định vai trò, đóng góp của Việt Nam vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil.

Công cuộc cải cách thể chế của Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa nội tại, mà còn có giá trị tham khảo trên quy mô toàn cầu

Công cuộc cải cách thể chế của Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa nội tại, mà còn có giá trị tham khảo trên quy mô toàn cầu

Các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi, tự hào cũng như quyết tâm đồng hành cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa “bước chuyển mình chiến lược”, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự giao lưu nghệ thuật 'Khắc ghi lời Bác - vang nhịp quân hành'

Tổng Bí thư Tô Lâm dự giao lưu nghệ thuật 'Khắc ghi lời Bác - vang nhịp quân hành'

Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân, tối 3/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc ghi lời Bác - vang nhịp quân hành”. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và chủ trì chương trình giao lưu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy vai trò 'kiến trúc sư thể chế'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy vai trò 'kiến trúc sư thể chế'

Chiều 3-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, dự kiến nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng cuối năm 2025.

Thực hiện đoàn kết và luôn có tư duy phát triển

Thực hiện đoàn kết và luôn có tư duy phát triển

Đó là phát biểu nhấn mạnh của đồng chí Trịnh Xuân Trường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 khi dự và chủ trì phiên họp thứ Nhất của Tiểu Ban văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra sáng 3/7.

fb yt zl tw