Cơ hội việc làm cho người lao động
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2015 | 3:01:05 PM
YênBái - YBĐT - Tuy thời tiết không thuận lợi, nhưng công trình xây dựng Nhà máy May xuất khẩu tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn được khẩn trương thi công để bàn giao đúng tiến độ đề ra. Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và có ý nghĩa thiết thực giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Một lớp học nghề may cho lao động nữ nông thôn.
|
Công trình được khởi công xây dựng trong tháng 1/2015, do Công ty May xuất khẩu Vina KNF của Hàn Quốc làm chủ đầu tư và Công ty DONGYANG E&C của Hàn Quốc nhận thầu thi công với tổng số vốn đầu tư lên tới 180 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Công trình là dự án trọng điểm, có vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn Trấn Yên lớn nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội vàng cho lao động nông thôn có việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững ngành thương mại dịch vụ. Đặc biệt, dự án còn giúp cho thị trấn Cổ Phúc có cơ hội phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ để sớm trở thành đô thị loại IV trong năm 2020”.
Với sản phẩm chính là quần áo veston xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ cùng các trang phục dệt kim, đan móc khác, dự kiến, công suất đạt 16 triệu sản phẩm xuất khẩu/năm. Giai đoạn 1, quy mô của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 35.000m2 với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống nhà xưởng, văn phòng làm việc, nhà kho và các khu máy nén, nồi hơi, bể xử lý nước thải, trạm điện, bể nước...
Ông Hà Thanh Hải - đại diện đơn vị thi công cho biết: “Để bảo đảm bàn giao công trình đúng tiến độ cũng như kĩ, mỹ thuật theo từng giai đoạn, đơn vị chúng tôi đã tập trung nhân, vật lực, tăng cường công tác kiểm tra giám sát ngay tại công trường. Đến nay, các hạng mục xây dựng nhà xưởng đã hoàn thiện trên 80% khối lượng. Dự kiến, giai đoạn 1, chúng tôi sẽ bàn giao công trình và đi vào hoạt động tháng 10/2015”.
Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ tạo cơ hội việc làm cho trên 2.500 lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Hiện nay, Công ty May xuất khẩu Vina KNF của Hàn Quốc đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị hướng nghiệp, dạy nghề nhằm tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ kỹ thuật, phục vụ sản xuất trong dây chuyền. Huyện Trấn Yên có lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và có tay nghề chỉ chiếm 25%. Nguồn lao động đi làm ăn xa chiếm số lượng khá lớn. Chính vì vậy, việc có nhà máy may xuất khẩu tại địa bàn là điều kiện và cơ hội cho lao động các địa phương trong huyện, đặc biệt là đối tượng lao động nữ.
Chị Vũ Thị Nhung ở thôn 4, thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Được biết, Nhà máy May đang xây dựng nên tôi đã đăng ký tham gia lớp học nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề huyện với mong muốn là sau khi kết thúc khóa đào tạo được cấp chứng chỉ và có cơ hội làm việc tại đây để có thu nhập ổn định”.
5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt trên 3.100 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm 42,5%, nguồn vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 53%, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài như NGO, FDI mới chỉ chiếm 4%.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước cho biết thêm: “Để thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào địa bàn, giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, cho thuê mặt bằng, quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển một số ngành công nghiệp mới, ưu tiên công nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn gắn với giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Mục tiêu là đa dạng hóa các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, mở rộng thị trường tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân”. Trấn Yên phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 700 tỷ đồng, giá trị sản xuất xây dựng đạt 420 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 850 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3,5% theo tiêu chí mới và mỗi năm tạo việc làm mới cho 1.700 lao động.
Thanh Tiến - Bích Lân (Đài TT-TH Trấn Yên)
Các tin khác
YBĐT- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối doanh nghiệp tỉnh được thành lập theo Quyết định số 410 QĐ/ĐTN ngày 04/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2011. Đến nay, Đoàn Khối có 47 tổ chức cơ sở Đoàn với trên 1.700 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trong đó, có 22 cơ sở Đoàn Khối doanh nghiệp Nhà nước, 24 cơ sở Đoàn doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 1 Đoàn khối cơ quan.
Chiều 30/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2015).
YBĐT - Mặc dù được thành lập chưa lâu, nhưng Đảng ủy Khối (ĐUK) Doanh nghiệp tỉnh ngoài việc tập trung xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong doanh nghiệp.
YBĐT - Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 129- QĐ/TU ngày 18/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đi vào hoạt động từ ngày 15/5/2011.