Chào mừng Đại hội Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020

5 năm - một chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 10:00:57 AM

YênBái - YBĐT - Nhiệm kỳ 2010 - 2015 cùng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Văn học nghệ thuật (VHNT) Yên Bái với chức năng tập hợp đội ngũ, định hướng sáng tác, mở rộng sáng tạo, quảng bá tác phẩm đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, tạo ra những tiền đề cơ bản cho phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Ngày thơ Việt Nam - Nguyên tiêu Ất Mùi, 2015 tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái.
Ngày thơ Việt Nam - Nguyên tiêu Ất Mùi, 2015 tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái.

Cơ quan thường trực Hội Liên hiệp VHNT tỉnh hiện có 14 người, tổ chức thành 2 đơn vị chức năng: Văn phòng Hội và Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là từ năm 2012, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra quyết định thành lập Đảng đoàn Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước được Đảng đoàn Hội nắm bắt, triển khai một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện sự nghiệp VHNT theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về VHNT trong tình hình mới.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong những năm qua là: đẩy mạnh hoạt động sáng tác thông qua công tác xuất bản, tích cực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; phát triển, bồi dưỡng những tác giả mới, trẻ tuổi ở mọi vùng miền trong tỉnh, ưu tiên các tác giả là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho cuộc chuyển giao thế hệ vào những năm tiếp theo. Đến nay, Hội đã có 136 hội viên thuộc 9 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Văn hoá dân gian, Kiến trúc; tăng 16 hội viên so với nhiệm kỳ 2005 - 2010.

Toàn Hội có 74 lượt hội viên chuyên ngành trung ương. Hầu hết các hội viên trung ương đã phát huy được vai trò tiên phong trong sáng tác, trong thực hiện các nhiệm vụ của Hội địa phương. Trong 5 năm, đã có nhiều giải thưởng, nhiều thành tựu, trong đó có một giải thưởng Nhà nước của nhà thơ Ngọc Bái đã khẳng định vị thế của các cây bút trong tỉnh.

5 năm qua, hoạt động Hội luôn chú trọng đến công tác xuất bản và công bố các tác phẩm, tạo đà cho sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Yên Bái xuất bản 1 kỳ/ tháng (từ 80 - 100 trang) với nội dung phong phú và đa dạng giới thiệu hầu hết các loại hình VHNT, luôn bám sát dòng chủ lưu của thời sự, chính trị, không xa rời tôn chỉ mục đích, giữ vững định hướng, không để xảy ra sai sót về nội dung, tư tưởng. Tạp chí được phát hành tại 63 tỉnh, thành, ngành, địa phương, các bưu điện văn hóa xã.

Từ tháng 10/2011, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái có thêm ấn phẩm “Văn nghệ Yên Bái vùng cao” từ 1 kỳ/quý, đến nay là 2 tháng một kỳ. Ấn phẩm với các bài viết ngắn gọn, ảnh đẹp đã phản ánh sinh động cuộc sống lao động sản xuất, phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các vùng, miền trong tỉnh.

Tiếp theo sự phát triển của loại hình báo viết, từ tháng 9/2012, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái chính thức khai trương Trang VHNT Yên Bái điện tử với giao diện đẹp, bắt mắt, các thông tin của Hội được đăng tải kịp thời, đầy đủ, nhiều bài viết mới được phản ánh trong các chuyên mục, cung cấp một cái nhìn toàn diện về nền VHNT cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng với độc giả. Các ấn phẩm Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao cũng được đăng tải đầy đủ nội dung của từng số lên trang web. Đây là cách tích hợp đầy đủ nhất các hoạt động báo chí, văn học của Hội với sức lan tỏa nhanh chóng.

Trang VHNT Yên Bái điện tử đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh của Hội đối với đông đảo bạn đọc trong nước và thế giới thông qua hàng loạt các truyện ngắn, bút ký, thơ và ảnh nghệ thuật về Đất và Người Yên Bái. Riêng Tạp chí Văn nghệ Yên Bái qua nhiều lần bình chọn đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam xếp vào top 10 tạp chí có nội dung tư tưởng và hình thức trình bày đẹp của cả nước.

Trong những năm qua, Hội đã tổ chức xuất bản hàng chục đầu sách các loại, bao gồm các tuyển tập: Văn xuôi, Thơ, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc cho tập thể và hội viên. Tổ chức 4 triển lãm Mỹ thuật địa phương, nhiều cuộc trưng bày ảnh nghệ thuật ở tỉnh cũng như liên hoan ảnh, triển lãm mỹ thuật khu vực, tạo ra môi trường giao lưu học hỏi của hội viên với văn nghệ sỹ trong khu vực và cả nước.

Mùa xuân đến trường. (Ảnh: Vũ Chiến)

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Hội đã sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ. Qua đó, đã xét cấp cho gần 300 lượt hội viên số tiền hơn 700 triệu đồng để hoàn thiện tác phẩm; tổ chức mỗi năm từ 2 đến 3 trại sáng tác, nhiều đợt đi thực tế cho tập thể hoặc nhóm tác giả đến biên giới, hải đảo, các vùng miền trong tỉnh và một số tỉnh bạn, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hội viên nắm bắt được tình hình cơ sở, hoàn thành sáng tạo tác phẩm VHNT. Kết hợp huy động nguồn lực cá nhân, các hội viên đã xuất bản, công bố hơn 200 đầu sách, hàng trăm tranh, ảnh nghệ thuật, hàng trăm ca khúc mới…

Có hội viên đến nay đã tự in tới 30 đầu sách các loại. Nhiều tác giả in từ 8 đến 15 đầu sách, vẽ hàng chục bức tranh, in phóng hàng trăm bức ảnh nghệ thuật, tham gia các cuộc trưng bày triển lãm, dự thi các giải VHNT của tỉnh, khu vực, các ngành và quốc gia, đem về hàng trăm giải thưởng. Nhiều tác phẩm của văn nghệ sỹ Yên Bái đã được lưu giữ tại thư viện, bảo tàng quốc gia, trở thành tiết mục của các đoàn nghệ thuật, thành tác phẩm đi cùng năm tháng của khán giả, độc giả trong tỉnh và cả nước.

5 năm qua là quãng thời gian văn nghệ sỹ Yên Bái luôn được sự quan tâm từ vật chất đến tinh thần của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và nhân dân các dân tộc của tỉnh. Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng các hoạt động Hội và cơ quan thường trực vẫn được chăm lo. Trụ sở Hội đã được đầu tư xây dựng mới khang trang với trang thiết bị tương đối đầy đủ, đảm bảo cho hoạt động của tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và một cơ quan báo chí. Giải thưởng VHNT hàng năm đã tăng hơn về cơ cấu và giá trị giải thưởng.

Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua, đặc biệt là những thành tích đạt được trong những năm gần đây đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, nhiều năm liền được nhận cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội LHVHNT tỉnh tiếp tục học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức sáng tạo VHNT theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” để có nhiều tác phẩm ngang tầm với cuộc sống lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái và cả nước; tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm; đẩy mạnh cuộc sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

VHNT Yên Bái đang hướng về tương lai. Sự đổi mới chính mình tìm ra hướng đi phù hợp, nhận diện cuộc sống - tập hợp, đoàn kết, hội tụ, tất cả cho mục tiêu: sáng tạo, đó là cốt lõi của văn nghệ, là câu hỏi đặt ra cho mỗi hội viên, mỗi chi hội. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước những thách thức mới, đòi hỏi VHNT phải tích cực đổi mới, hoàn thiện và bổ sung mọi nguồn lực để đưa Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái thực sự là trung tâm của tri thức và sáng tạo ra những tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, giá trị thẩm mỹ cao, góp phần xây dựng nhân cách và tâm hồn con người trong thời kỳ mới. 

Nguyễn Ngọc Chấn - Chủ tịch Hội LHVHNT Yên Bái

Các tin khác

YBĐT - Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định chặt chẽ loại hình đào tạo liên kết.

Ông Đinh Đình Phiệt đang xem lại cuốn biên bản ghi chép nội dung các cuộc họp tổ Đảng Đồng Phú, do bố ông để lại.

YBĐT - Một ngày đầu tháng 8, vợ chồng ông Đinh Đình Phiệt - nguyên Phó trưởng ban Dân vận, Dân tộc tỉnh Hoàng Liên Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Thoa nguyên Chủ tỉnh Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hoàng Liên Sơn mời tôi đến nhà chơi ở tổ 5, phố Phan Đăng Lưu, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái).

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Lãnh tụ Cuba Fidel castro trong một cuốn sách xuất bản tại Cuba đã nói về những công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trong đó,tư tưởng của Mác và Lênin về việc đoàn kết những người vô sản trên toàn thế giới và về sự cần thiết giai cấp vô sản ở chính quốc phải giúp đỡ giai cấp vô sản ở thuộc địa, mà tư tưởng của Người còn đưa ra vấn đề giai cấp vô sản ở thuộc địa cũng có thể đóng góp những bài học cho những người đồng chí ở “chính quốc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng to lớn, toàn diện và triệt để nhất trong lịch sử nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng vùng lên đấu tranh, lật đổ chế độ đô hộ, áp bức và bóc lột của bọn thực dân, phát xít cùng nhà nước phong kiến tay sai, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới, thời kỳ đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị đô hộ, áp bức và bóc lột trên phạm vi toàn thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục