Vào thời điểm này những năm trước, đi dọc các xã từ Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp sang đến Quy Mông, Minh Tiến..., huyện Trấn Yên đều bắt gặp những ruộng ngô xanh ngút ngàn. Năm nay, do mưa nhiều, mưa lớn đúng vào thời điểm cây ngô đang phát triển nên nhiều diện tích bị ngập úng, không thể phục hồi. Huyện đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung khôi phục đồng ruộng, tranh thủ gieo trồng cây rau ngắn ngày, rau ưa nước để tăng thu nhập.
Trên cánh đồng các thôn 1, 2, 3 xã Đào Thịnh nông dân đang tranh thủ tra lại giống ngô nếp trên những thửa ruộng vẫn ngập bùn với hy vọng sẽ được thu hoạch, hoặc lấy cây làm thức ăn cho trâu, bò chứ không để đất trống.
Chị Trần Thị Duyên ở thôn 1 than thở: "Nếu không bị thiên tai thì cả cánh đồng ngô này giờ đã vào đợt bón thúc lần 2. Thời gian này, đang nhàn rỗi, lại để ruộng không cũng sốt ruột nên tôi tra giống ngô nếp xem có vớt vát được tí nào không. Từ giờ đến cuối năm chỉ trông vào mấy sào ngô để lấy tiền cho các cháu ăn học thôi!”.
Chị Trần Thị Lan ở thôn 3 đang lội bùn để tra ngô cho biết: "Ngô đã lên được 3, 4 lá thì giờ bị san phẳng. Biết là trồng ngô bây giờ đã quá vụ rồi nhưng cứ tra ngô nếp nếu không được thu thì lấy cây làm thức ăn cho trâu trong mùa đông”.
Với quan điểm vụ 3 cũng là vụ chính, bởi vậy, ngay sau khi có kế hoạch của huyện, xã Đào Thịnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ phụ trách các thôn vận động nhân dân thu hoạch lúa mùa đến đâu nhanh chóng giải phóng đất để làm vụ đông cho kịp khung thời vụ. Vụ đông này, xã trồng được 70 ha ngô, trong đó 55 ha trên đất hai lúa và 15 ha trên đất soi bãi. Sau cơn lũ đầu tháng 10 toàn xã chỉ còn 45 ha ngô có khả năng cho thu hoạch; còn lại không thể khôi phục.
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cây ngô đông hàng năm mang lại cho bà con khoản thu nhập tương đối lớn. Nhưng năm nay, do thời tiết khắc nghiệt, những diện tích đã bị ngập úng không khôi phục được nhiều nên cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Xã đang vận động bà con trồng các loại cây màu ngắn ngày để bù đắp một phần thu nhập”.
Vụ đông 2017, Trấn Yên phấn đấu gieo trồng 1.150 ha cây màu các loại; trong đó, ngô 550 ha; khoai lang 100 ha; rau màu các loại 500 ha. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện yêu cầu các đơn vị khối nông nghiệp, các xã, thị trấn tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa để trồng cây vụ đông. Thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, các địa phương nhanh chóng triển khai sản xuất vụ đông. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ngày 10 - 11 tháng 10 trên địa bàn huyện có mưa to gây ngập úng, lũ quét làm ảnh hưởng gần 200 ha cây vụ đông.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Ngay sau khi nước rút, Phòng đã hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, khắc phục các diện tích ngập úng. Tập trung tiêu úng đồng ruộng để bảo vệ những diện tích đã gieo trồng có khả năng khôi phục được”.
Năm nay, do mưa nhiều, mưa lớn đúng vào thời điểm cây ngô đang phát triển nên nhiều diện tích bị ngập úng, không thể phục hồi. Huyện đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung khôi phục đồng ruộng, tranh thủ gieo trồng cây rau ngắn ngày, rau ưa nước để tăng thu nhập.
Theo đó, những diện tích bị ảnh hưởng, ngập úng nhưng đã được tiêu úng và còn có khả năng phục hồi thì tiếp tục xới phá váng, vun gốc ngô, bón thêm phân để cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển; chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh thối nhũn do vi khuẩn bằng thuốc Staner 20WP hoặc thuốc Xanthomix 20WP, phun các loại thuốc phòng trừ bệnh hại nấm để phòng trừ nấm lở cổ rễ, tích cực bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt...
Đối với những diện tích bị thiệt hại mất trắng và diện tích bị vùi lấp, khẩn trương khôi phục đồng ruộng, tranh thủ thời vụ gieo trồng cây rau ngắn ngày, rau ưa nước để tăng thu nhập. Huyện cũng đang khẩn trương rà soát, đánh giá toàn bộ diện tích vụ đông; tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăm sóc tốt những diện tích đang phát triển tốt.
Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu