Phiên họp giải trình về việc thực hiện pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
- Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2018 | 2:54:00 PM
YênBái - Sáng ngày 24/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Toàn cảnh Phiên họp
|
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các chế độ chính sách ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các vùng sâu, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên thời gian qua đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên vấn đề tuyển dụng, sử dụng đội ngũ vẫn cần tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phát triển đội ngũ ở một số địa phương. Những điểm "nóng”mà báo chí nêu về chấm dứt hợp đồng, thừa/thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo và có chỉ đạo để giải quyết kịp thời.Vụ việc chấm dứt hợp đồng giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn cán bộ làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân huyện và các ngành liên quan để nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết khắc phục.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691). Trong đó, mầm non:309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người; THPT:3161 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố,nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.
Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Về công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên, có ý kiến đại biểu cho rằng, hiện nay phương thức, nội dung, chỉ tiêu tuyển dụng nhà giáo còn có mặt chưa phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, việc tuyển dụng nhà giáo chủ yếu do cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền thực hiện (UBND cấp huyện đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; UBND cấp tỉnh đối với cơ sở giáo dục THPT và cơ sở giáo dục trực thuộc).
Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nguyên nhân của tồn tại này là do: việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học (tăng trưởng nóng) tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực.
Để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương trong năm học 2018-2019, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ: Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng giáo viên khá nhiều, gần trên 20 văn bản dưới luật, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau.
Ngoài ra, tại phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cũng đã giải trình về nội dung liên quan đến việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Các tin khác
Là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong 3 ngày (từ 24 đến 26/9). Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí.
Sáng 24/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa 14 diễn ra vào tháng 10/2018.
Ngày 21/9, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã gửi tới Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng Điện chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII khai mạc sáng nay- 24/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội, với 950 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế.