Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII tiến hành phiên trọng thể
- Cập nhật: Thứ ba, 25/9/2018 | 1:58:35 PM
Sáng 25-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai đã diễn ra phiên trọng thể Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023.
|
Đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể…
Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động
Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư, tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức công đoàn.
Các hoạt động Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn, Tháng Công nhân, "Tết sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn”... được nâng tầm hiệu quả, góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thực chất cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.
Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đối thoại định kỳ và đột xuất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác tư vấn pháp luật, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tham gia giải quyết hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành gần 77.800 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là gần 337.000 tỷ đồng; phát huy 1.171.000 sáng kiến với giá trị làm lợi 204.000 tỷ đồng… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến ngày 30-11-2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ. Việc tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đạt một số kết quả; giới thiệu 387.400 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã có 276.200 đồng chí được kết nạp Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao.
Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động chưa theo kịp tình hình...
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ XII (2018-2023) là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Các tin khác
Tại Diễn đàn thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, chiều 24/9, nhiều vấn đề tâm huyết đại biểu đặt ra đã được lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ giải đáp.
Những ngày gần đây, Chính quyền và nhân dân xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại quê nhà.
Được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, lãnh đạo các nước đã có Thư và Điện chia buồn.
Chiều 24-9, Văn phòng Thủ tướng Lào ra Thông báo số 1577/VPTTg gửi thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Đô trưởng thủ đô Vientiane và tỉnh trưởng các tỉnh trên cả nước, về việc tổ chức Quốc tang tưởng nhớ đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.