Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Đồng chí Đỗ Mười - Nhà lãnh đạo luôn nói đi đôi với làm
- Cập nhật: Thứ tư, 3/10/2018 | 9:26:47 AM
Chiều 2-10, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có cuộc trao đổi thân mật với phóng viên một số cơ quan báo chí về những kỷ niệm sâu sắc của ông với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
|
*Phóng viên: Thưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông có thể chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười?
* Đồng chí LÊ KHẢ PHIÊU: Anh Đỗ Mười tham gia phong trào dân chủ năm 1936, vào Đảng Cộng sản năm 1939. Anh bị Pháp bắt năm 1941, kết án 10 năm tù ở Hỏa Lò, tháng 3-1945, anh vượt ngục. Anh Đỗ Mười là một người sôi nổi từ thời thanh niên, cả 2 vợ chồng anh đều bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò, đấu tranh kiên cường với kẻ địch ngay trong nhà tù. Ra tù, anh được Đảng giao nhiều nhiệm vụ, và hoạt động rất tích cực, hiệu quả, có năng lực, trách nhiệm, gần gũi với quần chúng, gần gũi với các bộ, đi sâu sát thực tiễn, chỉ đạo rất sắc bén. Dĩ nhiên để có chỉ đạo sắc bén thì phải là người nhạy bén. Kể cả khi đã nghỉ hưu anh Đỗ Mười vẫn nhiệt tình, tham gia xây dựng đất nước bằng nhiều cách, nhưng không phải là áp đặt.
Như đã nói ở trên, anh Đỗ Mười là một người hoạt động cách mạng sôi nổi ngay từ trước Cách mạng Tháng 8, rất kiên cường, dũng cảm. Tất cả các nhiệm vụ Đảng giao, anh Đỗ Mười đều hoàn thành xuất sắc, để lại nhiều dấu ấn. Ít người chỉ đạo được trên nhiều lĩnh vực như anh Đỗ Mười.
Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, anh được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn, trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Là Tổng Bí thư nối tiếp anh, khi cả hai người đều đã nghỉ hưu, tôi nhớ lại khi anh còn làm Tổng Bí thư, trong họp bàn về chủ trương cũng như nhân sự cụ thể, khi còn có ý kiến khác nhau thì anh là người đấu tranh mạnh mẽ, nói rõ quan điểm của mình. Tinh thần đó đã làm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả Trung ương tranh luận sôi nổi, tranh luận để đi đến thống nhất.
Anh có nhiều đức tính cách mạng: nhiệt tình, vô tư, trong sáng, gần gũi quần chúng, sát thực tiễn, am hiểu nhiều lĩnh vực, chỉ đạo sắc bén nhiều lĩnh vực, nói phải đi đôi với làm, ghét lý thuyết suông. Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận trong các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở. Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên có lúc có người tưởng anh có tư tưởng áp đặt, mất dân chủ. Càng gần anh, càng hiểu anh, tôi càng thấy anh là một người làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị; có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể.
Tôi nhận thấy anh Đỗ Mười là con người trọn vẹn ngay cả khi đã nghỉ hưu, đó là một lão thành cách mạng, một gương sáng của cách mạng Việt Nam. Lão thành cách mạng, dù tuổi cao nhưng không ngồi một chỗ mà vẫn tham gia cống hiến, tôn trọng lớp trẻ, ủng hộ nhiệt tình với thái độ trân trọng, đúng đắn với lớp trẻ. Đó là một con người từ khi hoạt động trước cách mạng, ở trong tù, đi vào hoạt động cách mạng, giữ nhiều trọng trách đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi cương vị, mọi thời kỳ.
* Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong các nhà lãnh đạo những năm đầu đổi mới. Theo đồng chí, đâu là dấu ấn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười?
Trong công tác cán bộ, anh Đỗ Mười chọn cán bộ rất kỹ, thường chọn những cán bộ năng động, nhiệt tình, tích cực. Anh đấu tranh mạnh mẽ không vì cá nhân, thái độ rất trong sáng, nói có chân lý, có sức thuyết phục mạnh, nói đi đôi với làm. Cán bộ tin tưởng, yêu mến anh, thấy được phong thái của anh, như vậy công việc của cách mạng, của Đảng được phát triển tốt. Đó cũng là bài học lớn đối với những người làm lãnh đạo. Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở.
* Đồng chí hẳn là có nhiều kỷ niệm với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười?
* Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, kể cả sau này khi đã nghỉ hưu, trao đổi nhiều vấn đề. Câu chuyện trong những lần tôi gặp anh không có gì ngoài những băn khoăn làm thế nào để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn để ngày càng giảm đi những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, mất lòng dân; làm thế nào để chọn đúng những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, xứng tầm với sự lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của đất nước. Anh Đỗ Mười cũng đau đáu vấn đề công nghiệp hóa, muốn phát triển công nghiệp. Anh thường hỏi công nghiệp nặng đã phát triển đến đâu.
Cho đến cả thời gian cuối đời, anh vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân ở một số vùng. Anh buồn vì một số tồn tại, yếu kém trong Đảng, trong một số cán bộ Đảng và chính quyền các cấp, chậm được khắc phục. Tôi luôn quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, mãi mãi tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân của anh Đỗ Mười.
Các tin khác
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
"Ở đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy một nhân cách thực sự cộng sản, một con người thật giản dị, trung thực, thẳng thắn, kiên định, mẫu mực..."
Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tổng Bí thư (TBT) Đỗ Mười đã áp dụng nhiều chính sách mới, đưa lạm phát từ ba con số về một con số (dưới 10%).
YBĐT - Hai giải pháp thực hiện Nghị quyết số 22 mà Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ chú trọng là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ từ cơ sở và sắp xếp tổ chức cơ sở Đảng đồng bộ, thống nhất.