Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sinh năm 1920. Quê quán: xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng chí tham gia cách mạng từ 1937, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn, Trung đoàn. Từ tháng 10/1948 , đồng chí là Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1951, đồng chí là Tham mưu phó, quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, rồi Cục phó Cục Tác chiến; Cục Trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 8/1963, đồng chí là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1964 đến 1974, đồng chí là Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam; Tư lệnh Quân khu 9. Đồng chí đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam từ 1974. Tháng 6/1974, đồng chí được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, đồng chí làm Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980. Năm 1981-1986, đồng chí là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986. Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/1987. Năm 1992, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII. |

Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu