Năm 1991, Giải báo chí toàn quốc lần thứ nhất được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Khi đó, số thể loại cũng như nội dung để xét giải không nhiều. Đến năm 2007, giải được nâng cấp thành Giải báo chí quốc gia.
Cùng với sự phát triển của các loại hình, thể loại báo chí, Giải báo chí quốc gia đã tăng số lượng giải lên thành 11 giải, gồm: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn; giải xã luận, bình luận, chuyên luận; giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép...
Kể từ khi tổ chức đến nay, Giải báo chí toàn quốc và sau này là Giải báo chí quốc gia luôn khẳng định là giải có uy tín nhất trong làng báo Việt Nam.
Trong buổi tổng kết chấm chung khảo Giải báo chí quốc gia - 2018, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải cho biết, qua 13 năm tổ chức, giải ngày càng có sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp hội, cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.
Nếu như năm 2016, Giải báo chí quốc gia mới thu hút 1.637 tác phẩm, 59/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự thì năm 2017 tăng lên 1.735 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải và lần đầu tiên 100% Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự thi.
Đến năm 2018 đã có 1.806 tác phẩm gửi tham dự Giải báo chí quốc gia, trong đó 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định và cũng thu hút 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 16/19 Liên chi hội, hơn 120 đơn vị cấp Hội tham gia.
Theo nhà báo Thuận Hữu, các tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia năm 2018 đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước, như: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", nhất là vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Ngoài ra, các đề tài truyền thống về lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến... đã được đề cập sâu rộng, đa chiều. Trưởng ban Thư ký tổng hợp Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII Trần Bá Dung nhận xét: Năm nay, nhiều tác phẩm có sự thể hiện rất đặc sắc, sáng tạo, song vẫn còn những tác phẩm trùng lặp đề tài, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá, thiếu dấu ấn, nhất là đối với các bài chính luận; thể loại ký còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa…
Trong những năm qua, Giải báo chí toàn quốc và sau này là Giải báo chí quốc gia luôn chứng tỏ sự đồng hành của báo chí nước nhà với sự chuyển động không ngừng của đất nước, để tạo ra những mùa vàng về tác phẩm. Sau mỗi mùa giải, những người làm báo lại thêm động lực để đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm của mình, thấy rõ hơn trách nhiệm với nghề, với cộng đồng.
(Theo HNMO)