Đối với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp. Dự thảo Nghị quyết đang quy định theo hướng nếu đại biểu vắng từ 2 ngày làm việc trở xuống thì báo cáo trưởng đoàn đại biểu đồng thời thông báo đến Tổng thư ký Quốc hội, trường hợp vắng mặt tổng số trên 2 ngày làm việc trong cả kỳ họp thì báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến trưởng đoàn, đồng thời thông báo đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, đại biểu kiến nghị nghiên cứu, quy định lại nội dung này theo hướng đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo trưởng đoàn hoặc báo cáo phó trưởng đoàn trong trường hợp đoàn đại biểu chưa có trưởng đoàn hoặc trường hợp trưởng đoàn vắng mặt.
"Tôi cho rằng việc quy định như trên sẽ phù hợp các trường hợp đặt ra trong thực tiễn, bởi lẽ đến thời điểm hiện nay cũng có những đoàn đại biểu vì những lý do khác nhau nên vẫn còn khuyết vị trí trưởng đoàn, chỉ có phó trưởng đoàn, do vậy nếu quy định đại biểu chỉ được báo cáo trưởng đoàn sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện” - đại biểu phát biểu.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định việc đại biểu Quốc hội vắng mặt phải đồng thời báo cáo trưởng đoàn và Tổng thư ký Quốc hội theo hướng đại biểu vắng mặt chỉ cần phải báo cáo với trưởng đoàn, hoặc phó trưởng đoàn mà không nhất thiết phải đồng thời báo cáo Tổng thư ký Quốc hội bởi trưởng đoàn, phó trưởng đoàn có trách nhiệm trong việc quản lý các thành viên trong đoàn, tổ chức, điều hành các hoạt động của đoàn. Hơn nữa, trong kỳ họp Tổng thư ký Quốc hội cũng có rất nhiều nội dung công việc cần phải giải quyết, do vậy để việc báo cáo Tổng thư ký Quốc hội thuộc về trách nhiệm của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn thì sẽ phù hợp, thuận tiện hơn.
Đối với quy định về Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp, đại biểu thống nhất với những điều chỉnh, tuy nhiên đối với Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm đối tượng tham dự kỳ họp Quốc hội là đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp được mời dự thính các phiên họp công khai và Tổng thư ký Quốc hội là người quyết định số lượng, danh sách các đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được mời dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội theo đề nghị của HĐND cấp tỉnh.
Trong báo cáo tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý vào dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lý giải quy định "Đại diện các cơ quan nhà nước” đã bao gồm cả đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa thực sự rõ ràng, chưa đầy đủ, tại khoản 3 quy định các trường hợp được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội không bao gồm các trường hợp dự thính do Tổng thư ký Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc hoặc chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội hoặc thủ trưởng các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Quy định như vậy chưa đảm bảo tính bao quát, chưa đáp ứng được nguyện vọng của Đại biểu HĐND các cấp được tham dự hoặc dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội, đem lại những hiệu quả thiết thực giúp hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ngày một hiệu quả, chất lượng hơn.
Đối với quy định về hình thức lưu hành tài liệu trong kỳ họp Quốc hội, đại biểu thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về việc vẫn tiếp tục thực hiện quy định tại khoản 3 điều 73 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về "tờ trình, dự thảo văn bản, báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại gửi bằng bản điện tử” tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu trong việc nghiên cứu, tra cứu, đối chiếu.
Quy định về việc đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng đoàn và Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Đại biểu Huyền nhấn mạnh: "Khái niệm thông tin xấu độc là khái niệm còn chung chung, khó phân định, do vậy đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ thêm khái niệm này tạo cách hiểu chung, nhất quán”.
Quy định việc tranh luận của Đại biểu Quốc hội trong các phiên họp toàn thể, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định đại biểu không thực hiện việc tranh luận với Ban soạn thảo, những ý kiến trao đổi với ban soạn thảo phải được thực hiện theo hình thức đăng ký phát biểu. Đối với quy định: đại biểu quốc hội tranh luận trong thời gian không quá 03 phút/ 01 lần, đại biểu Huyền đề nghị bổ sung thêm quy định số lượt mỗi đại biểu được tranh luận tối đa trong một phiên họp, việc bổ sung quy định trên để tránh trường hợp các đại biểu quá lạm dụng quyền tranh luận, tranh luận qua lại nhiều lần ảnh hưởng đến thời gian, quyền phát biểu theo thứ tự đăng ký của các đại biểu khác.
Đối với quy định Chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu nêu quy định Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 03 phút/01 câu hỏi, đại biểu cho biết: thực tế thời gian qua cho thấy việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn được thực hiện theo hướng trả lời cùng lúc các câu hỏi của nhiều người chất vấn trong một lượt trả lời.
Trong khi đó có những câu hỏi với nội dung khó, phức tạp cần sự phân tích kỹ, trả lời chi tiết nên chiếm nhiều thời gian, có những câu hỏi ngắn gọn, lượng thông tin trả lời ít, cần ít thời gian hơn. Đại biểu Huyền kiến nghị xem xét quy định để người trả lời chất vấn chủ động trong việc phân chia thời gian trả lời các câu hỏi nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá tổng thời gian của các câu hỏi được phân bổ là mỗi câu 3 phút.
Minh Quang - Hoàng Sâm (lược ghi)