Ra đời giữa thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt đối với miền Bắc lần thứ 2, trường được đặt tại khu sơ tán Khe Nhừ, xã Tân Thịnh, cách trung tâm huyện trên 40 km. Ngày khai trường khóa học đầu tiên không phải ngày khai trường truyền thống 5/9 mà là ngày 22/11/1972.
Năm học đầu tiên, cơ sở vật chất lớp học, phương tiện dạy và học đều là con số không. Thầy trò nhà trường đã cùng nhau lên rừng chặt cây, lấy nứa dựng lớp học, nhà ở. Vừa học vừa lao động với cố gắng vượt bậc, ngôi trường mới bằng cây rừng, phên nứa được dựng lên trong niềm vui sướng của thầy trò, phụ huynh và nhân dân.
Năm học đầu 1972 - 1973, Trường chỉ có 3 lớp với 96 học sinh, 6 thầy cô. Công tác dạy và học tiến hành song song với lao động xây dựng trường lớp, đào hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn. Vượt lên mọi gian nan, được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ, thầy trò quyết tâm, chung sức phấn đấu đưa nhà trường đi vào ổn định, phát triển.
Năm học 1974 - 1975, Trường đã có 5 lớp với 218 học sinh; trong đó, có 95 học sinh nữ dân tộc. Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của những năm học đầu tiên và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển. Có được nền móng đó, phải kể đến sự đóng góp to lớn của thế hệ các thầy cô đầu tiên của nhà trường: Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệp, thầy Hoàng Quang Nhân, thầy Vũ Văn Chương, cô Nguyễn Thị Bình, thầy Phạm Viết Bản, thầy Hà Ngọc Khoa, thầy Sa Văn Nở, cô Lê Thị Nga...
Năm 1975, Trường được chuyển đến địa điểm hiện nay tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Đây là vị trí tương đối thuận tiện cho học sinh các xã vùng ngoài của huyện về học. Ngày đầu chưa có kinh phí xây dựng, thầy trò nhà trường một lần nữa lên rừng chặt cây, tre, nứa, lá làm lớp học, nhà ở cho giáo viên, nhà nội trú cho trên 100 học sinh ở xa, xây dựng và duy trì 1 bếp ăn tập thể cho gần 200 thầy cô, học sinh.
"Học đi đôi với hành”, "Giáo dục đi đôi với lao động sản xuất”, nhà trường luôn chú trọng thực hiện công tác giáo dục lao động hướng nghiệp: hướng dẫn học sinh làm vườn trồng rau, phát đồi trồng sắn, chăm sóc chè, nuôi bò, đào ao thả cá… để cải thiện đời sống cho học sinh ở nội trú và giáo dục ý thức lao động cho các em.
Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô quan tâm tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, vui chơi lành mạnh. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng số lượng học sinh luôn ổn định và phát triển (từ 5 lớp năm 1975 tăng lên 12 lớp năm 1978 với 454 học sinh).
Cùng với sự phát triển của đất nước, năm 1978, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp cho Trường cấp 3 Văn Chấn với nhà 2 tầng 14 phòng học, hội trường, khu xưởng trường, nhà ở giáo viên, nhà nội trú cho học sinh, thiết thực phục vụ tốt công tác dạy và học của thầy trò.
Từ năm 1986, đứng trước những thử thách mới là mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên (CB,GV), nhân viên, học sinh nhà trường vẫn vững vàng bám trụ, đồng sức đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, phương châm "Tất cả vì học sinh thân yêu” đã tạo động lực lớn, gắn kết đội ngũ, tạo sức mạnh để nhà trường hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều cá nhân, tập thể được công nhận giáo viên giỏi, "Tập thể Lao động xã hội chủ nghĩa” và nhiều học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia như: Hoàng Thị Hạnh, Nguyễn Thị Mai Loan (môn Văn); Đoàn Thanh Mai, Nguyễn Thị Chung (môn Lịch sử); Nguyễn Thị Chiến (môn Địa lý); Nguyễn Thị Phương (môn Địa lý)… cùng nhiều học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.
Năm 2004, trước yêu cầu phát triển giáo dục với quy mô ngày càng tăng, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép nhà trường mở thêm Phân hiệu đặt tại xã Nghĩa Tâm, cách khu trung tâm của trường 18 km. Phân hiệu này đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong khu vực cũng như nhu cầu học tập của con em các dân tộc xã Nghĩa Tâm và các xã lân cận.
Cơ sở vật chất ban đầu của Phân hiệu Nghĩa Tâm cũng bắt đầu từ con số không, nhà trường đã nhờ vào sự giúp đỡ của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm B, Trường Mầm non Nghĩa Tâm mượn phòng học tạm và nơi ở cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Chi bộ, Ban Giám hiệu cùng đội ngũ CB,GV, nhân viên nhà trường đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Phân hiệu Nghĩa Tâm duy trì ổn định quy mô lớp, sĩ số học sinh (năm học 2004 - 2005 có 3 lớp với 151 học sinh, năm học 2021 - 2022 tăng lên 12 lớp với 519 học sinh). Sau 17 năm thành lập, ngày 1/1/2022, Phân hiệu Nghĩa Tâm đã tách ra, trở thành Trường THCS&THPT Nghĩa Tâm.
Trong lịch sử của nhà trường, năm 2005, trận lũ quét với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản: 8 học sinh bị lũ cuốn trôi; 5 phòng học cùng toàn bộ bàn ghế, phương tiện dạy học bị phá hủy hoàn toàn; 21 gia đình CB,GV, nhân viên bị ảnh hưởng lớn về vật chất; khoảng 250 học sinh mất toàn bộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Tổng thiệt hại tài sản của nhà trường, CB,GV, nhân viên, học sinh khoảng 1,5 tỷ đồng.
Có sự giúp đỡ kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT, huyện Văn Chấn, cơ quan, ban, ngành, đơn vị trường bạn cùng các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm và nhân dân, tập thể nhà trường đã nỗ lực vượt lên, nhanh chóng khắc phục, ổn định cơ sở vật chất, đưa công tác dạy và học trở lại bình thường.
Bằng cố gắng vượt bậc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của nhà trường sau trận lũ lịch sử đạt 99,45%, tỷ lệ lên lớp đạt 98%. Mặc dù chưa hết khó khăn, nhưng nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Một cuộc họp giao ban giữa Ban Giám hiệu với cán bộ chủ chốt của Trường THPT huyện Văn Chấn.
5 năm trở lại đây, hoạt động của nhà trường thực sự khởi sắc. Nề nếp, kỷ cương trong công tác giáo dục toàn diện được củng cố, tăng cường. Nhà trường triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Dạy tốt - Học tốt”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Xây dựng trường học hạnh phúc”; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh; công tác khuyến học, bồi dưỡng chuyên môn được quan tâm. Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường từng bước được nâng lên.
Tháng 8/2021, trường được đầu tư xây dựng 1 dãy nhà Quản trị, hành chính đầy đủ phòng làm việc, phòng họp, phòng truyền thống, thư viện; 1 dãy nhà lớp học 4 tầng với 18 phòng học, 6 phòng học bộ môn, 4 phòng chờ giảng, 1 phòng y tế, 1 phòng hỗ trợ học sinh khuyết tật, 1 phòng hỗ trợ tư vấn tâm lý và hướng nghiệp, sân trường lát gạch sạch đẹp. Sự quan tâm, đầu tư lớn của tỉnh đã mang lại cho nhà trường diện mạo mới hiện đại, năng động, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ công tác dạy và học.
Học sinh nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các thầy cô vững vàng về chuyên môn, giàu tinh thần trách nhiệm. Hiện, nhà trường có 50 CB,GV, nhân viên với 100% trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; trong đó, có 10 thạc sĩ, 40 cử nhân. Công tác chuẩn hóa đội ngũ được nhà trường thực hiện thường xuyên thông qua các khóa tập huấn, hoạt động thao giảng, dự giờ, tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của CB,GV được công nhận và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá tại trường được đổi mới theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống. Thầy cô tích cực thiết kế bài giảng điện tử, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, giáo cụ trực quan, hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu.
Hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực và sự tiến bộ của học sinh luôn bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác. Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý và giáo dục học sinh. Sự tích cực, chủ động, sáng tạo của nhà trường đã giúp chất lượng dạy và học nâng cao qua các năm.
Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt 98,68%; học sinh học lực khá, giỏi đạt 61,2%; 8 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 2 giải Nhì môn Vật lý, Địa lý; tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 100%.
Truyền thống trong quá khứ, thành tựu hiện tại của nhà trường được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Bộ GD&ĐT; cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh; danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc” cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Năm học 2021 - 2022, nhà trường vinh dự được UBND tỉnh xét và đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
Đây chính là động lực để tập thể CB,GV, nhân viên, học sinh Trường THPT huyện Văn Chấn tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, trau dồi, luyện rèn, tô thắm bảng vàng thành tích truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển. Nhà trường tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, đột phá, nỗ lực, quyết tâm đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp GD&ĐT, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Nguyễn Quang Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Văn Chấn