Đại biểu Nguyễn Quốc Luận thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/11/2023 | 10:47:55 AM

YênBái - Sáng nay 24/9, phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Luật đường bộ do Chính phủ trình Quốc hội và tham gia 5 nội dung vào dự thảo.

Thứ nhất, Về phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ quy định tại Điều 17 và hành lang an toàn đường bộ quy định tại Điều 18, đại biểu cho biết, sau khi nghiên cứu nhận thấy trong dự thảo Luật không quy định cụ thể khoảng cách chiều rộng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường ngoài đô thị đối với đường có nền đắp, đường có nền đào, cầu, cống, rãnh, hố ga thu nước, và các hạng mục công trình trên đường bộ, không quy định khoảng cách chiều rộng phần đất đối với hành lang an toàn đường bộ. 

Ông Luận đề nghị quy định cụ thể trong Luật về việc xác định giới hạn, khoảng cách là bao nhiêu mét chiều rộng đối với phần đất để bảo vệ, bảo trì đường ngoài đô thị đối với đường có nền đắp, đường có nền đào, cầu, cống, rãnh, hố thu, và các hạng mục công trình trên đường bộ; quy định cụ thể khoảng cách là mét chiều rộng phần đất đối với hành lang an toàn đường bộ phù hợp với cấp kỹ thuật của tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ công trình đường bộ và quản lý đường bộ theo quy hoạch, thuận tiện hơn trong việc quản lý, sử dụng mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ; đồng thời thuận tiện cho cơ quan chức năng khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường. 

Trong trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định cụ thể này, tôi đề nghị bổ sung khoản: "Chính phủ quy định chi tiết nội dung này” vào Điều 17 và Điều 18 của dự thảo Luật để Chính phủ có căn cứ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thứ hai, Tại khoản 4 Điều 32 quy định: "Khi đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ qua khu vực đô thị, có nắn chỉnh tuyến, đoạn tuyến quốc lộ cũ phải điều chỉnh thành đường địa phương và điều chuyển tài sản cho địa phương quản lý, vận hành khai thác, bảo trì theo quy định”. 
Theo đại biểu, thực tế tại các địa phương cho thấy, nhiều tuyến quốc lộ sau khi cải tạo, nâng cấp, nắn chỉnh tuyến thì có những đoạn tuyến cũ nhỏ lẻ, không còn phù hợp với công năng sử dụng vào mục đích giao thông hoặc nếu sử dụng thì không bảo đảm an toàn giao thông hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị. 

Nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ rất cứng nhắc, khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, dễ bị lấn chiếm sử dụng trái phép nếu không còn sử dụng cho mục đích giao thông, từ đó sẽ gây thất thoát, lãng phí. 

Bên cạnh đó, nhiều tuyến quốc lộ ngoài đô thị sau khi nắn chỉnh tuyến thì các đoạn tuyến quốc lộ cũ không còn sử dụng cũng nên bàn giao lại cho địa phương quản lý, phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tránh lãng phí, tranh chấp, khiếu kiện. 

"Do vậy, để tạo sự linh hoạt cho các địa phương, tôi đề nghị điều chỉnh lại theo hướng: Khi đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ qua khu vực đô thị hoặc cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ ngoài đô thị có nắn chỉnh tuyến, thì đoạn tuyến quốc lộ cũ sẽ bàn giao lại cho địa phương tiếp tục quản lý, vận hành khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông hoặc sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội theo đúng các quy định của pháp luật” - đại biểu nêu ý kiến.

Thứ ba, Điểm đ khoản 5 Điều 36 về các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép quy định: "Bảo hành, bảo dưỡng công trình đường bộ; sửa chữa cấp bách đường bộ để khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ; cứu hộ, cứu nạn giao thông và các trường hợp cấp bách khác”. 

Đại biểu cho rằng quy định như trong dự thảo Luật chưa hợp lý vì sau khi các tuyến đường hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng nếu trong thời gian bảo hành công trình sảy ra sự cố, hư hỏng thì nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện công tác bảo hành công trình theo các điều khoản của hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, ngoài ra còn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật. 

Tuy nhiên sau khi hoàn thành, bàn giao công trình (gồm cả thời gian bảo hành) thì công tác quản lý lại thuộc trách nhiệm của đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ nên mọi hoạt động trên đường phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép. 

Do vậy, nếu quy định nhà thầu thi công thực hiện công tác thi công, sửa chữa công trình (trong thời gian bảo hành) mà không phải cấp phép thì trong quá trình thực hiện nếu xảy ra sự cố như: Mất an toàn giao thông, ảnh hưởng môi trường… sẽ khó xác định trách nhiệm của các bên có liên quan. 

Đai biểu cho rằng, để có sự thống nhất giữa các điều, khoản trong công tác quản lý đường bộ, đề nghị xem xét, bỏ cụm từ "bảo hành” và khi nhà thầu thi công xây dựng thực hiện bảo hành vẫn cần phải có giấy phép thi công trên đường đang khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Thứ tư, Tại điểm d, Khoản 1, Điều 38 về Thi công công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác quy định: "Trước khi xây dựng đập, kênh, mương và các công trình thủy lợi, thủy điện cắt ngang, chồng lên vị trí đường bộ hoặc ảnh hưởng đến công trình đường bộ đang khai thác, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại Điều 23 và Điều 36 Luật này và phải xây dựng công trình đường bộ để bồi hoàn, thay thế cho phần công trình đường bộ bị ảnh hưởng…”. 

Nêu thực tế có nhiều công trình thủy điện khi xây dựng các hồ chứa nước có những vị trí sẽ chồng lên vị trí đường bộ hoặc sẽ ảnh hưởng đến công trình đường bộ đã được các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất với các cơ quan quản lý hoặc các chủ đầu tư dự án đường bộ để bồi hoàn trực tiếp bằng tiền tương ứng với các chi phí phải bỏ ra để xây dựng công trình bồi hoàn. 

Sau khi nghiên cứu, căn cứ tình hình thực tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm hình thức chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện này có thể bồi hoàn bằng tiền trong trường hợp các chủ dự án này không có khả năng, kinh nghiệm xây dựng đường bộ hoặc có nhu cầu bồi hoàn bằng tiền để thực hiện các dự án này để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các chủ dự án và các cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý khai thác công trình đường bộ.  

Thứ năm, Về mẫu giấy vận tải, đại biểu cho biết hiện nay, mẫu Giấy vận tải được ban hành kèm theo Thông tư số 63 ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đây là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có ngoài giấy phép lái xe, giấy phép vận tải, hóa đơn chứng từ vận tải, đăng kiểm, phù hiệu…

Tuy nhiên, tại điểm a, Khoản 1, Điều 66 quy định: "Chứng từ vận tải bao gồm giấy vận tải và chứng từ vận tải khác. Mẫu giấy vận tải do đơn vị kinh doanh vận tải phát hành”. Tôi cho rằng, quy định như vậy chưa đảm bảo tính thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh vận tải, mỗi đơn vị tự ban hành một mẫu giấy vận tải sẽ khó khăn cho công tác quản lý cũng như công tác thống kê, tổng hợp và kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. 

"Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định này theo hướng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mẫu giấy vận tải áp dụng chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm in và phát hành giấy vận tải theo nhu cầu của đơn vị” - đại biểu Luận nêu ý kiến.  

Quang Tuấn - Hoàng Sâm

Các tin khác
Thường trực HĐND xã Lao Chải tham gia hoạt động giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng các Ban của HĐND tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 76 của HĐND tỉnh Yên Bái về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Yên Bái”, nhiệm kỳ 2021-2026, cấp ủy các cấp ở Mù Cang Chải đã tập trung lãnh đạo HĐND các xã, thị trấn thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tỉnh ủy Yên Bái vừa tuyên dương mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023).

Thời gian qua, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng, ban hành các văn bản liên quan, trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai

Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu về dự thảo luật

Ngày 24-11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi với 468/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,7%). Luật gồm 10 chương, 73 điều.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục