Phó Thủ tướng: Sáp nhập huyện, xã phải làm kỹ lưỡng vì đụng chạm

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/2/2024 | 5:08:59 PM

Phó Thủ tướng lưu ý, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người nên đòi hỏi phải làm thật kỹ lưỡng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.

Bộ máy nặng nề khó tăng lương

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương này, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả.

"So với các quốc gia trên thế giới, đúng là bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Chính vì vậy chúng ta khó tăng lương, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thời gian qua đã nỗ lực làm được rất nhiều việc.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây là việc khó, nhất là khi thời gian thực hiện hạn hẹp, chỉ còn khoảng 6 tháng, đến tháng 9 phải trình Ủy ban Thường Quốc hội xem xét. Bên cạnh đó, sắp xếp ĐVHC là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người. Chính vì vậy, việc này đòi hỏi phải làm thật kỹ lưỡng.

Theo Phó Thủ tướng, tại cuộc họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của các thành viên, kế hoạch giao cho các địa phương phân công phụ trách, xem còn vướng gì để xử lý không…

Theo Phó Thủ tướng, địa phương đã trình lên 56 đề án của 56 địa phương, trách nhiệm Ban chỉ đạo là tháo gỡ khó khăn để kịp tiến độ đề ra đến tháng 9 này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này. Bởi vì muốn làm được thì phải thấm. "Chúng ta phải vượt qua chính mình thì mới thành công được", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Giai đoạn nước rút, địa phương cần nỗ lực hoàn thành

Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành - Bộ Nội vụ tổng hợp, trong năm sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị.

Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Cụ thể, có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.


Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Nội vụ cho hay, điểm khác biệt của đợt này là nhiều địa phương chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo diện khuyến khích, nhất là số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập tăng lên rất nhiều so với phương án ban đầu, đạt tỷ lệ 166,66% (50/30). 

"Thời gian không còn nhiều, chỉ còn lại 6 tháng, đây là giai đoạn nước rút, trong khi số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng có số lương đơn vị sắp xếp rất lớn. Vì vậy, các địa phương nỗ lực để hoàn thành", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, Bộ Nội vụ bám sát cùng địa phương giải quyết bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật.

Cùng với đó là rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các ĐVHC; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp ĐVHC, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2023.

Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Yên Bái đã chủ trì tổ chức 279 cuộc giám sát; phối hợp, tham gia với các ngành giám sát 481 cuộc.

Quang cảnh buổi lễ ra quân huấn luyện.

Sáng 28-2, khối cơ quan Quân khu 2 tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2024 và phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Ủy ban MTTQ, UBND xã Phù Nham và các đơn vị chức năng thị xã tổ chức tuyên truyền, họp bàn triển khai các công trình xây dựng chạy qua địa bàn cho người dân thôn Pá Xổm.

Năm 2023, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) với trách nhiệm phản biện xã hội, tích cực phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phát hiện, xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024.

Sáng nay - 28/2, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục