Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)

Dân tin, Đảng mạnh, Mường Lai đẹp giàu

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2024 | 8:16:19 AM

YênBái - Sáng thu nay, Khu Di tích Căn cứ cách mạng Cổ Văn, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tràn sắc nắng óng vàng, rợp xanh tán đa cổ thụ. Nơi đây, đã chứng kiến và đánh dấu sự ra đời của Đội Du kích Cổ Văn - lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của huyện Lục Yên vào năm 1945. Nối dài niềm tự hào suốt chặng đường cách mạng 79 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng…

Khu Di tích Căn cứ cách mạng Cổ Văn sau khi được tu sửa, nâng cấp.
Khu Di tích Căn cứ cách mạng Cổ Văn sau khi được tu sửa, nâng cấp.

Có một điều chắc chắn, người Mường Lai rất tự hào về truyền thống quê hương. Niềm tự hào ẩn trong sâu thẳm mỗi người về sự tồn tại địa danh khởi nguồn lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của huyện Lục Yên. Rừng sim năm xưa còn mãi lưu danh trong cuốn sách "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai” (1945 - 2006): "Ngay sáng sớm 19/6/1945, tại khu đất rộng trong rừng sim… Đội Du kích vũ trang Cổ Văn làm lễ tuyên thệ chính thức thành lập. Đứng dưới cờ đỏ sao vàng… có 27 chiến sỹ xung phong tình nguyện được biên chế thành 2 tiểu đội. Tiểu đội 1 do ông Hoàng Triều Cống làm Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 2 do ông Vi Minh Thiết làm Tiểu đội trưởng”. 

Vừa luyện tập, xây dựng lực lượng vừa vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng, lập dân phòng… và "người ta đồn rằng du kích Cổ Văn xuất quỷ nhập thần, có súng to, súng nhỏ” đã khiến cho Đội Du kích Cổ Văn "tiếng tăm lan rộng” khắp vùng. "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh cùng với khí thế sục sôi làm cách mạng của nhân dân cả nước, phong trào ngày một lan tỏa, rộng khắp, thanh thế của Đội Du kích Cổ Văn lan nhanh một vùng rộng lớn giữa 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang. Kẻ địch thì hoảng sợ lo lắng, nhân dân ta thì tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng”. 


Ngày 8/7/1945, Đội Du kích Cổ Văn đã giải phóng hoàn toàn châu lỵ Lục Yên thoát khỏi ách thực dân Pháp, Nhật. Sau giải phóng huyện lỵ Lục Yên, Đội Du kích Cổ Văn ngày càng phát triển lớn mạnh. "Từ tháng 12/1946, với tình hình nhiệm vụ mới, chiến lược mới; vì vậy, Ban Cán sự Đảng ở Chiến khu Việt Bắc quyết định sáp nhập lực lượng du kích Cổ Văn bổ sung cho các đơn vị”. 


Tiếp nối truyền thống vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mường Lai đã đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của huyện, của tỉnh, của đất nước. Năm 2000, xã Mường Lai được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”. Ngày 28/12/2004, UBND tỉnh Yên Bái quyết định công nhận nơi thành lập Đội Du kích Cổ Văn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Mường Lai không để niềm tự hào là những dòng chữ ghi trong sử sách. Suốt quá trình dựng xây quê hương, đất nước thì trước hết chính là Mường Lai phải ổn định, phải vững vàng, phải mạnh giàu. Các thế hệ lãnh đạo và người dân đều có chung một mục tiêu như vậy. Bởi thế, dù có điểm xuất phát không hề cao nhưng vùng quê cách mạng Cổ Văn đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Đồng chí Triệu Văn Thuộc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp nông thôn đổi mới, kinh tế phát triển, văn hóa tiến bộ mà quan trọng nhất là nhận thức, tư duy, hành động của người dân thật sự thay đổi. Xây dựng nông thôn mới, người dân Mường Lai nhiệt tình, tự nguyện, tự giác đóng góp công lao động, tiền của, hiến đất, làm đường, trồng hoa… với quyết tâm đồng lòng chung sức tạo nên diện mạo mới, khí thế mới, sức sống mới cho quê hương”. 

Người dân địa phương những năm qua đã đóng góp trên 8,1 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Thế mới biết, khi có được niềm tin của người dân thì sức mạnh đồng thuận có thể làm nên bao điều thật lớn lao, dù là bất cứ việc gì, dù là bất kỳ thời điểm nào. 

Thế mới biết, tinh thần của những du kích Cổ Văn năm xưa tiếp nối và hiện hữu với những việc làm hết sức thiết thực hôm nay: Mường Lai chính là nơi khởi đầu, là điểm sáng trong phong trào "dịch rào, hiến đất” xây dựng nông thôn mới của huyện Lục Yên. Đường giao thông êm thuận, đường hoa quê tươi đẹp, mướt mắt đồng lúa đương độ làm đòng, đồi rừng nối nhau ngút màu xanh, cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trước mỗi nếp nhà... vẽ nên bức tranh nông thôn mới Mường Lai sinh động sắc màu. Tự tin ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, năm 2021 là một điểm nhấn đáng nhớ của địa phương này. 


Một góc nông thôn mới Mường Lai. 

Tự hào hơn, chỉ 2 năm sau đó, Mường Lai vươn mình mạnh mẽ bằng bước tiến ấn tượng: trở thành xã thứ 100 của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này, đồng nghĩa với người dân quê hương Cổ Văn có cuộc sống ấm no hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43,5 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn 11,7%.

Bình minh mỗi ngày dành tặng con người, mảnh đất Mường Lai những điều đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn. Có nụ cười của chị Hoàng Thị Cánh ở thôn 4 khi được vay vốn chính sách ưu đãi trồng quế đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo. Chị Cánh nói vui: "Nếu không có Đảng, Nhà nước quan tâm thì sao nhà tôi được vay ưu đãi như thế này? Nếu không được vay ưu đãi như thế này thì sao nhà tôi có được ngày hôm nay?”.

 Có nụ cười của anh Nguyễn Văn Sức ở thôn 7 khi mạnh dạn trồng thử cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả cao. Anh Sức tâm sự: "Mình có thêm nguồn thu từ thanh long cũng nhờ học được từ nhiều người. Ai muốn trồng thử thanh long thì mình sẽ sẵn sàng chỉ bảo kỹ thuật, kinh nghiệm”. Có nụ cười của chị Nguyễn Thị Suất ở thôn 7 khi nói về giống lúa Thái xuyên 111 trên đồng đất quê hương. 

Chị Suất bảo rằng: "Vụ mùa này lại thêm một vụ lúa từ lúc cấy đến lúc gặt tôi không phải phun thuốc lần nào. Như thế thì mới là làm ruộng chứ!”. Có nụ cười hạnh phúc của người con được hằng ngày gần gũi, chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. 

Cô Hoàng Thị Thanh Ngôn là con gái út của cụ Hoàng Triều Cống - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Đội Du kích Cổ Văn - người duy nhất còn sống trong 27 chiến sĩ năm xưa. Cô Ngôn bày tỏ: "Bố tôi năm nay 97 tuổi, mẹ kém bố 1 tuổi. Nhà vợ chồng anh cả ở đây nhưng tôi ngày nào cũng sang vì bố đã ốm từ cuối tháng Bảy đến nay. Tôi nào thấy vất vả gì đâu mà lại thấy rất vui, rất ấm lòng, rất hạnh phúc vì đến tuổi này vẫn còn có bố mẹ bên mình, được chăm sóc cho bố mẹ”.

Có nụ cười của ông Hoàng Văn Đài - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 4 khi xóm làng ngày càng đổi mới. Ông Đài cho hay: "Nhờ tích cực, chăm chỉ làm ăn, lao động sản xuất nên trong thôn chỉ còn 10/162 hộ nghèo. Đường bê tông nối dài ngõ gần xóm xa, cứ là êm tay ga. Cuộc sống thay đổi nhiều lắm rồi, đời sống vật chất và tinh thần đều nâng cao”. Những nụ cười sánh nắng mùa thu, nói như chị Hoàng Thị Oanh - công chức Văn hóa - Xã hội của Mường Lai: "Chỉ số hạnh phúc của người dân ngày càng cao, ngày càng hài lòng với cuộc sống”.

Thu này, Mường Lai có thêm một niềm vui là vừa hoàn thành tu sửa, nâng cấp Khu Di tích Căn cứ cách mạng Cổ Văn. Việc làm ấy, thêm một nén nhang thơm với thật nhiều tình cảm, lòng biết ơn, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lục Yên và của quê hương Mường Lai gửi đến những người đã tạo nên mốc son đáng nhớ cho lịch sử cách mạng nơi miền đất Ngọc. Tiếp nối bước chân những người làm nên lịch sử là niềm tin son sắt, là ý thức và trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của người dân Mường Lai. 

Là lời ông Hoàng Quang Nhạn - con trai cả của cụ Hoàng Triều Cống xúc động: "Con cháu sẽ luôn mãi mãi khắc ghi, tự hào và luôn phấn đấu công tác, học tập, lao động, sản xuất tốt để xứng với cha ông, với tinh thần của những du kích Cổ Văn một thuở vang danh”. Là lời chị Nguyễn Thị Suất ở thôn 7 vui như chuẩn bị gặt mùa lúa bội thu trên cánh đồng quê hương: "Mường Lai hôm nay có thật nhiều đổi mới. Đổi mới ấy nhờ cuộc sống nhân dân ấm no, Đảng vững mạnh. Đảng chăm lo cho dân thì dân tin Đảng. Dân tin Đảng, Đảng chăm lo cho dân thì quê hương ngày càng đổi mới, mạnh giàu, văn minh, hạnh phúc”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tiếp xúc với cử tri người dân tộc thiểu số huyện Lục Yên.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng những điều Người từng nói, từng làm, đặc biệt là bản Di chúc thiêng liêng của Người và để lại cho muôn đời sau, mãi là nguồn di sản thiêng liêng, vô cùng quý giá đang được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện thực hóa bằng khát vọng dựng xây non sông, đất nước ngày càng thêm đàng hoàng, tươi đẹp và lan tỏa, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại vào từng lời nói, hành động, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

79 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945 - 2/9/2024), đặc biệt là sau 38 năm đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do; thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do mà mỗi người dân Việt Nam được thụ hưởng.

Nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ.

Giữa lưng đèo quanh năm mây phủ, những người con của mảnh đất Cao Phạ(Mù Cang Chải, Yên Bái) đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù, lập lên những chiến công anh dũng. Tinh thần yêu nước ấy đã trở thành động lực để cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc Cao Phạ đoàn kết, phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Lãnh đạo xã Đại Lịch trao đổi với người dân thôn Bằng Là 1 về phát triển diện tích cây ăn quả có múi.

Trong không khí những ngày thu cách mạng, chúng tôi về thăm xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn - mảnh đất ghi dấu nhiều chiến công lẫy lừng của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với trận đánh đèo Din gắn liền tên tuổi của anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ. Truyền thống đấu tranh giữ nước đã hun đúc người dân xã Đại Lịch tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương ấm no, đổi mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục