50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Phát huy vai trò và sức mạnh của kiều bào trong kỷ nguyên mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2025 | 8:22:23 AM

Chiến thắng 30/4 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất”, đã để lại nhiều bài học quý báu về ý Đảng gắn với lòng dân, về việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần làm nên mùa Xuân đại thắng đó của dân tộc không thể không nhắc tới vai trò của đồng bào ta ở nước ngoài.

Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2024.
Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2024.

Dù sống xa Tổ quốc và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào, với tinh thần "Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”, với lòng yêu nước nồng nàn, đã đóng góp to lớn trên nhiều mặt, với nhiều hình thức đa dạng, từ hỗ trợ tài chính, vật chất đến hỗ trợ tinh thần, đấu tranh chính trị, thậm chí hy sinh cả xương máu, góp phần viết nên những thiên anh hùng ca ngời sáng.

Kiều bào "dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc"
Ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn trong "trứng nước”, khi Bác Hồ và những người đồng chí của mình vẫn đang miệt mài tìm lối đi cho hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, cộng đồng người Việt tại nhiều nơi, dù còn non trẻ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý bấp bênh, nhưng kiều bào đã không quản nguy hiểm, vất vả, đùm bọc, chở che Người và các vị lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm tháng cả dân tộc đang chìm trong mưa bom, bão đạn, kiều bào đã có nhiều hoạt động ủng hộ tài chính, vật chất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó phải kể đến những phong trào tiêu biểu của kiều bào ở Thái Lan như "Nắm gạo nuôi quân”, "Nở hoa diệt Mỹ”, "Nuôi quân diệt Mỹ” và "Dũng sĩ Khe Sanh”. Kiều bào ở các nước đã tổ chức nhiều đợt quyên góp lớn, gửi về nước bằng nhiều con đường, kể cả bí mật, số lượng lớn tiền và vàng, nhiều loại thuốc men, dụng cụ y tế; quần áo và lương thực; thiết bị phục vụ cho các bệnh viện dã chiến và chiến trường; nhiều máy móc và thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Không chỉ đóng góp từ xa, nhiều kiều bào đã trở về Tổ quốc để trực tiếp góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 10/1/1960, chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào tại Thái Lan về nước đã được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tại Hải Phòng. Nhiều kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia, trí thức từ các nước xã hội chủ nghĩa đã tình nguyện trở về nước tham gia xây dựng hậu phương miền bắc, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường, làm tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ điều trị thương binh, bệnh binh hoặc làm phiên dịch, công tác địch vận… Nhiều kiều bào còn tham gia hỗ trợ, cung cấp tài liệu kỹ thuật, dịch thuật sách vở phục vụ công tác giáo dục và quốc phòng; nghiên cứu và phát triển các công nghệ phục vụ chiến đấu và sản xuất; giảng dạy ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật cho cán bộ miền bắc.

Trên mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao, kiều bào đã tích cực tham gia các hoạt động vận động quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam và tham gia các cuộc đàm phán hòa bình; tham gia các phong trào phản đối chiến tranh, mít-tinh, biểu tình, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam du học tại các nước phương Tây phản đối sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Nổi bật là người thanh niên Nguyễn Thái Bình, trong thời gian học tại Mỹ, đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình chống "chiến tranh Việt Nam”, hy sinh thân mình cho hòa bình, tự do và công lý.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động vận động Chính phủ, tổ chức quốc tế, tham gia các sự kiện quốc tế, viết bài, xuất bản sách báo tuyên truyền, kiều bào đã chuyển tải thông tin đến cộng đồng yêu chuộng hòa bình quốc tế về tội ác chiến tranh, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ các nước và dư luận thế giới.

Trong suốt thời gian Hội nghị Paris từ năm 1968-1973, mặc dù bị phía Pháp giám sát gắt gao, kiều bào yêu nước của Hội người Việt Nam tại Pháp đã tích cực hỗ trợ phái đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị về tinh thần, vật chất và nhân lực, đóng góp vào thắng lợi của Hiệp định. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà còn tạo ra áp lực chính trị lớn buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

"Sức triệu người hơn sóng Biển Đông"

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, đang sinh sống, học tập, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước phát triển. Với sự lớn mạnh, vị thế ngày càng gia tăng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội sở tại, kiều bào là lực lượng quan trọng đóng góp cho các mục tiêu an ninh, chính trị, quốc phòng của đất nước, nhất là công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Kiều bào tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo tại Len Đao.

Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đã thành lập các quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, các Câu lạc bộ Trường Sa; tổ chức các hội thảo quốc tế, triển lãm ảnh về Biển Đông, qua đó huy động nguồn lực, đồng thời truyền tải những thông tin đúng đắn tới cộng đồng quốc tế và kiều bào nói riêng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Các đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 do Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) tổ chức hằng năm kể từ năm 2012 thu hút sự quan tâm, hưởng ứng đặc biệt của cộng đồng, qua đó lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biển đảo quê hương.

Về nguồn lực kinh tế, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang góp phần tạo dựng thương hiệu "Make in Vietnam”. Lượng kiều hối chuyển về nước trong 5 năm trở lại đây đạt 86,3 tỷ USD(1), đưa Việt Nam vào danh sách những nước đứng đầu thế giới về nhận kiều hối. Các doanh nghiệp kiều bào, với mạng lưới rộng khắp đã trở thành cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời mang công nghệ tiên tiến về nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về nguồn lực tri thức, với hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia người Việt đang làm việc tại các tổ chức hàng đầu thế giới, đây là nguồn lực quý báu để Việt Nam đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Những đóng góp, hiến kế của kiều bào tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 do Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) tổ chức và tại nhiều hội nghị, hội thảo khác hay sự phát triển của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam chính là minh chứng sinh động cho tinh thần cống hiến và ý thức trách nhiệm của kiều bào đối với sự phát triển của quê hương.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy sức mạnh "mềm”, là cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam. Từ các lễ hội truyền thống, lớp học tiếng Việt cho thế hệ trẻ, đến việc tham gia ngoại giao nhân dân, kiều bào đang tiếp nối tinh thần yêu nước, đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

"Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng"

Đất nước ta đang tập trung dồn lực, "bứt tốc” để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng.



Nhìn lại bài học kinh nghiệm quý báu từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể khẳng định, việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi kiều bào có ý nghĩa quan trọng. Dù sống xa Tổ quốc hay ra đi vì bất cứ lý do gì, trong sâu thẳm trái tim và tiềm thức của kiều bào, hai tiếng "quê hương” vẫn luôn hiện hữu, trường tồn.

Những đóng góp to lớn, không tiếc máu xương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài để về đồng cam cộng khổ với đồng bào ở trong nước trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây là minh chứng rõ nét cho lòng yêu nước nồng nàn của kiều bào. Trong giai đoạn hiện nay, kiều bào đều mong muốn đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chính là mẫu số chung, là điểm đồng để tập hợp, quy tụ, đoàn kết kiều bào, phát huy nguồn lực to lớn của bà con đối với sự phát triển của đất nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường gắn kết bà con với quê hương và phát huy hiệu quả nguồn lực của cộng đồng.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao về làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, "tổng công trình sư” có năng lực tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia.

Việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW với những tư duy đột phá đã nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đội ngũ các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào. Họ coi đây là nền tảng quan trọng, củng cố niềm tin, thổi bùng khát khao cống hiến của kiều bào, đóng góp cho sự phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết số 57-NQ/TW cùng với Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài là minh chứng cho những chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân, thể hiện rõ nét tinh thần đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực. Việc thể chế hóa và triển khai tốt những văn bản nêu trên sẽ tạo động lực để phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực quý báu của kiều bào như chúng ta đã làm trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phát huy những bài học lịch sử từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với sự đồng tình, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

(1) Tổng hợp theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới.

(Theo NDO)

Các tin khác
Tỉnh Yên Bái sẽ lấy ý kiến nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh về về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

Nhằm tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật, tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tổ chức Kỳ họp HĐND các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chế độ đặc thù được giữ nguyên như trước khi sắp xếp bộ máy.

Cán bộ, công chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực và giữ nguyên chế độ lương, phụ cấp trong 6 tháng với công chức bị ảnh hưởng bởi sắp xếp bộ máy.

Trong suốt dặm dài lịch sử, mỗi vùng đất, mỗi thế hệ đều có những bước đi, những lựa chọn mang tính cốt tử. Nhằm thích ứng với điều kiện, bối cảnh cụ thể phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu phát triển của riêng mình. Lào Cai và Yên Bái cũng vậy. Đó là hai vùng đất không chỉ liền kề về địa lý, mà đã từng gắn bó với nhau như một tất yếu lịch sử...

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Thành Trung - Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Văn Chấn

Chiều 19/4, tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Văn Chấn để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục