Yên Bái sau 5 năm thực hiện chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX)
- Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn chung, ở tỉnh Yên Bái các công trình lịch sử Đảng đảm bảo được tính Đảng, tính khoa học và tính tổng kết cao tạo thành chỉnh thể giữa lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các cấp, các ngành trong tỉnh với lịch sử toàn Đảng. Công tác thông tin, tuyên truyền, giảng dạy lịch sử Đảng trong đó có lịch sử Đảng bộ địa phương được đẩy mạnh.
So với thời kỳ trước khi Chỉ thị 15 ban hành, công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cấp các ngành về vị trí vai trò quan trọng và tính cấp thiết của công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng được nâng lên. Hầu hết các cấp ủy đều đưa công tác này vào nghị quyết đại hội Đảng, đồng thời lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện hàng năm, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, hiệu quả; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ nghiên cứu từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ nguồn kinh phí từ các cá nhân, tập thể, kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị bảo quản lưu trữ tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng... Chính vì vậy, kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và tuyên truyền lịch sử Đảng ở tỉnh Yên Bái đạt được thành tích rất đáng khích lệ. Một số lượng lớn các công trình lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã được nghiên cứu, xuất bản.
Ở cấp tỉnh đã biên tập xuất bản cuốn sách “Tỉnh Yên Bái một thế kỷ” có tính chất thông sử; tái bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I có chỉnh sửa, bổ sung, xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập II đến năm 2000; biên tập, xuất bản các cuốn sách chuyên đề giáo dục truyền thống “Đảng bộ tỉnh Yên Bái 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển”, “Tổ quốc, Đảng và quê hương tôi”, “Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ”. Ở cấp ngành, huyện, thị và cơ sở, 12/12 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 7 ngành (Bưu điện tỉnh, Sở TDTT, Sở VH-TT, Tỉnh đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh), 66/180 xã, phường, thị trấn đã tổ chức nghiên cứu và xuất bản lịch sử Đảng bộ, trong đó huyện Trấn Yên có 100% số xã đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, trở thành điển hình toàn quốc được trung ương và tỉnh biểu dương khen thưởng. Nhìn chung, các công trình lịch sử Đảng đảm bảo được tính Đảng, tính khoa học và tính tổng kết cao tạo thành chỉnh thể giữa lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống của các cấp, các ngành trong tỉnh với lịch sử toàn Đảng. Công tác thông tin, tuyên truyền, giảng dạy lịch sử Đảng trong đó có lịch sử Đảng bộ địa phương được đẩy mạnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy và ban tuyên giáo các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ của tỉnh, của đất nước, của Đảng và dân tộc. Hình thức nội dung phong phú, phù hợp thông qua các sinh hoạt chính trị và các cuộc thi tìm hiểu “Tổ quốc và quê hương anh hùng”; “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”; tìm hiểu “60 năm Đảng bộ tỉnh xây dựng và trưởng thành”; cuộc thi “Theo chân Bác”... Từ kết quả này đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời, phát triển, trưởng thành và quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương của Đảng bộ; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; đóng góp có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng lý luận, cung cấp những luận cứ khoa học để hoạch định đường lối, quan điểm, nhiệm vụ của Đảng bộ; tạo động lực tinh thần to lớn và mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, dù đã biên tập xuất bản được một số lượng khá lớn các công trình lịch sử Đảng bộ các cấp nhưng chất lượng của một số ấn phẩn đặc biệt là cấp xã, phường còn thấp, còn sơ sài, nặng về mô tả sự kiện, tính khái quát, tính tổng kết chưa cao, chưa phản ánh đúng tầm vóc lịch sử và còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Việc thẩm định bản thảo các công trình lịch sử Đảng trước khi xuất bản chưa thật chặt chẽ, nề nếp và có chất lượng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng chưa được coi trọng đúng mức, còn thiếu các giải pháp thực hiện thường xuyên. Do đó, hạn chế việc phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng, ít đến được với công chúng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, chưa được quan tâm kiện toàn và đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Yên Bái chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, thực hiện của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị – tư tưởng của các cấp ủy Đảng, của các tổ chức Đảng.
Thực hiện nghiêm túc quy định của Ban Bí thư (khóa X) “Về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể”, nhất là khâu thẩm định để nâng cao chất lượng của các công trình lịch sử Đảng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng, góp phần vào xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ...
Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng ổn định, lâu dài. Từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XVI, phấn đấu để mỗi Đảng bộ huyện, thị và tương đương đều có cán bộ chuyên môn chuyên trách công tác lịch sử Đảng và các xã, phường, thị trấn đều có đồng chí cấp ủy theo dõi công tác lịch sử Đảng.
Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giảng dạy lịch sử bằng nguồn ngân sách Nhà nước là chủ yếu kết hợp với động viên các nguồn lực khác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 15 và quy định mới của Ban Bí thư (khóa X) tạo ra những bước tiến mới trong nghiên cứu, tuyên truyền, giảng dạy lịch sử Đảng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới quê hương đất nước, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện.
Nông Thụy Sỹ
Các tin khác
Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/2008/CT-TTg, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật Đặc xá.
YBĐT - Với phương châm “Tuổi trẻ hành động vì cộng đồng - xã hội chăm lo bồi dưỡng thanh niên”, Tháng Thanh niên thực sự là tháng cao điểm của các phong trào hành động của tuổi trẻ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 24/3, Thủ tướng Thái Lan khẳng định không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ Thái Lan chống lại Việt Nam và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều sinh sống tại Thái Lan. Thái Lan đề nghị Việt Nam ủng hộ Thái Lan trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa tới.
YBĐT - Đó là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh sau khi đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ở huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa lộ, tỉnh Yên Bái trong những ngày vừa qua.