Với Bác dân tộc là trên hết!

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2008 | 12:00:00 AM

Bác từng nói, hoài bão lớn nhất của Bác là “dân tộc Việt Nam được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành”. Để lái con tàu cách mạng Việt Nam đi đến mục tiêu ấy Bác đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát.

Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Cuộc trò chuyện mà ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, người nhiều năm liền được làm việc bên Bác, dành cho VTC News nhân dịp 118 năm ngày sinh của Bác (19-5-1890- 19-5-2008) phần nào nói lên sự vĩ đại của Người.

Hoài bão của Người

- Thưa ông, nếu được nói ngắn gọn về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông sẽ nói gì?

Ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.

- Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dân tộc là trên hết. Cả cuộc đời hoạt động của Người là để giải phóng dân tộc, để dân tộc được độc lập, nhân dân được hạnh phúc và quyền công dân được đảm bảo. Tư tưởng ấy của Người là nhất quán từ khi Người bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng cho tới khi Người ra đi.

Cuộc cách mạng của nhân dân ta do Người chủ trương là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối ấy đã được Người xác định từ năm 1925 trong “Đường cách mạng”. Bác nói: “Khi làm cách mạng thắng lợi rồi, tức là khi đã giành được chính quyền thì chính quyền thuộc về số đông, tức là về nhân dân. Còn nếu chính quyền rơi vào tay số ít thì sẽ phải làm lại, hy sinh sẽ phải lớn hơn”. Từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước Bác đã đặt câu hỏi: Chính quyền của ai? Nhà nước của ai? Và Bác trả lời: “Của dân, do dân, vì dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ đầu là như vậy.

Sau cách mạng Tháng Tám, có lần các phóng viên nước ngoài hỏi Bác về con đường của Bác, tư tưởng của Bác. Người trả lời: “Hoài bão suốt đời của tôi là dân tộc Việt Nam độc lập, nhân dân tự do, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành. Còn về phần mình, tôi sẽ chọn một nơi có non xanh, nước biếc, có vườn cây, ao cá làm một ngôi nhà nhỏ và bầu bạn với ông già hái củi, em bé chăn trâu, thoát khỏi vòng danh lợi”. Bác Hồ của chúng ta là như vậy.

- Tôn Trung Sơn có thuyết tam dân: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Bác Hồ cũng nói con đường cách mạng mà Người lựa chọn là “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Vậy Bác có chịu ảnh hưởng gì không thuyết tam dân của Tôn Trung Sơn?

- Tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh là “Độc lập, tự do, hạnh phúc”- tức là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Mục tiêu của Tôn Trung Sơn và của Bác là như nhau, nhưng khác ở chỗ cuộc cách mạng của ông Tôn Trung Sơn vẫn là cách mạng tư sản theo kiểu châu Âu “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn thực chất vẫn là chính quyền tư sản. Còn cuộc cách mạng của Hồ Chí Minh là hoàn toàn khác. Chủ trương của Bác là làm cách mạng nhân dân, cách mạng quần chúng, rồi tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng của toàn dân tộc Việt Nam

- Thưa ông, như ông nói, với Hồ Chí Minh dân tộc là trên hết. Như vậy có nghĩa là ngay từ khi thành lập Đảng Bác đã chủ trương Đảng ta là đại diện cho toàn dân tộc?

- Ngay từ khi giành được chính quyền Hồ Chí Minh trước sau đều nói: “Hãy giương cao ngọn cờ dân tộc và ngọn cờ XHCN”. Thực ra thì sau này cụm từ XHCN mới được thêm vào. Còn trước đó Bác nói: “Sau khi giải phóng dân tộc sẽ  làm cuộc cách mạng quốc tế”. Nhưng cương lĩnh vắn tắt năm 1930 Hồ Chí Minh không nêu rõ về cuộc cách mạng quốc tế. Tức là về chiến lược thì Người nêu đúng như Nghị quyết của đại hội VI Quốc tế cộng sản, nhưng về sách lược, Người lại chỉ nói về độc lập dân tộc. Như vậy, về cơ bản, tư tưởng của Người về  Đảng là: Đảng đại diện cho quyền lợi của dân tộc và nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân.

- Thưa ông, lúc bấy giờ Quốc tế cộng sản nhấn mạnh đảng cộng sản là đại diện cho giai cấp công nhân, vì sao Hồ Chí Minh lại không chủ trương như vậy?

- Ở nước ta lúc bấy giờ, theo số liệu còn lại cho đến nay, chỉ có khoảng 20 vạn người lao động. Trong đó có khoảng 5 vạn người là công nhân cơ khí- thợ máy (lúc ấy gọi là công nhân “áo xanh”), còn lại là những người làm cao su, thợ mỏ, làm đồn điền (hay còn gọi là công nhân “áo nâu”). Lúc bấy giờ thậm chí đã có những cuộc tranh luận vô sản nào là cách mạng? Vô sản “áo xanh” hay vô sản “áo nâu”? Tức là tranh luận đảng của ai, đại diện cho ai?

Tại Đại hội Đảng năm 1951, tôi có tham dự với tư cách là đại biểu chính thức, chính Hồ Chí Minh đã nêu lên công thức: “Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, nghĩa là của toàn dân tộc Việt Nam”.

- Có nghĩa là lúc ấy Hồ Chí Minh đã nói rõ Đảng đại diện cho 3 thành phần là giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam?

- Lúc bấy giờ không phải Đảng lãnh đạo bằng hoạt động bí mật trong các nhà máy, xí nghiệp, hay là ở vùng nông thôn, mà Đảng nhân danh dân tộc, nhân dân cả nước đứng lên lãnh đạo cuộc kháng chiến. Hơn nữa, trong chương trình hoạt động của Chính phủ tháng 8/1945, thì cương lĩnh của Việt Minh là thế nào? Hay là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 năm 1941 là thế nào? Tinh thần là: Dân tộc. Dân tộc ở đây không phải là dân tộc tư sản.

Trong thế kỷ XX có 3 cuộc cách mạng dân tộc lớn và có tính quốc tế cao. Một là, cách mạng Tháng Mười Nga đánh đổ một thế lực phong kiến phản động nhất, thành trì của phản động châu Âu. Cuộc cách mạng thứ 2 là của Trung Quốc, đánh đổ thế lực nửa phong kiến, nửa thuộc địa và quân phiệt. Còn cuộc cách mạng thứ 3 là của Việt Nam. Cuộc cách mạng của chúng ta là đánh đổ chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Ta làm cách mạng ở một nước thuộc địa chứ không phải làm cách mạng ở một nước tư bản, hay quân phiệt nông dân.

Tóm lại Bác định nghĩa Đảng đúng nhất là ở Đại hội đảng II năm 1951: “Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, tức là của dân tộc Việt Nam”. Bây giờ định nghĩa này lại càng đúng, vì nông dân, công nhân có cách biệt gì lớn đâu, không phải là giai cấp bị áp bức, cùng làm chủ cả, cùng là người lao động tự do, thêm đội ngũ trí thức nữa.

- Thưa ông, trong đường lối cách mạng Bác đề xướng 2 cuộc cách mạng: cách mạng dân tộc và cách mạng vô sản, chứ đâu phải chỉ có một cuộc cách mạng là giải phóng dân tộc?

- Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp lúc bấy giờ và mặc dù chịu rất nhiều sức ép, nhưng bao giờ Hồ Chí Minh cũng nắm vững tư tưởng độc lập, tự chủ trong tư duy chính trị và hành động thực tiễn. Ngay từ năm 1920 Bác đã xác định con đường cần phải đấu tranh rồi. Tại sao Bác lại vào Đảng cộng sản Pháp và sau này khi sang Liên Xô,  Bác tán thành nghị quyết Quốc tế cộng sản III?  Là vì trong các cương lĩnh ấy có nói tới cuộc cách mạng đánh đổ giai cấp thống trị. Để tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ và nhằm mục đích thực hiện cho kỳ được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Bác đề xướng thuyết “2 cuộc cách mạng”: cách mạng dân tộc và cách mạng vô sản.

Bác nói với các đồng chí cộng sản Pháp rằng “Các đồng chí nói thế giới chỉ có một cuộc cách mạng- cuộc cách mạng vô sản (tức là giai cấp vô sản đánh đổ giai cấp tư sản). Đấy là cuộc cách mạng ở các nước châu Âu, hay nói đúng hơn là các nước công nghiệp châu Âu, còn chúng tôi là nước thuộc địa mênh mông như thế này, có phải các đồng chí giải phóng là đã đồng thời giải phóng chúng tôi đâu. Chúng tôi phải tự làm lấy”.

Người lại  nói: “Hai cuộc cách mạng như hai cánh con chim, không nên coi cái nào quan trọng hơn cái nào. Còn chủ nghĩa thực dân và đế quốc như 2 cái vòi bạch tuộc cần phải cắt cả hai”. Cho đến nay nhìn lại ta thấy Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng.

Chặng đường khó khăn

- Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác những năm 20- 30 của thế kỷ XX  là vô cùng khó khăn. Người từng không ít lần bị hiểu lầm, thậm chí bị cô lập?

- Tôi được biết từ năm 1928 có những người coi Bác là “dân tộc chủ nghĩa”. Sau lại thêm việc Bác bị bắt ở Hồng Kông rồi lại được thả, khiến người ta càng nghi ngờ. Có một câu chuyện được kể lại như thế này: khi sang Liên Xô, trong một lần tiếp Bác, Xtalin chỉ vào 2 chiếc ghế và nói rằng: “Đây là chiếc ghế nông dân, đây là chiếc ghế địa chủ, đồng chí muốn làm lãnh tụ giai cấp nào thì đồng chí ngồi vào chiếc ghế đó”. Bác kéo 2 cái ghế lại sát nhau và ngồi lên cả hai.

Bác đến Liên Xô năm 1934-1938 chỉ làm công tác ở Ban thuộc địa của Quốc tế cộng sản. Người được giao nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Bác xin được làm việc nhưng không được trả lời, Người xin về nước. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người không tham gia đoàn đại biểu Đảng ta, chỉ là đại biểu dự thính.

- Năm 1945 Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhưng vì sao có nước không công nhận nước ta ngay?

- Năm 1950 khi ra nước ngoài, Bác thường bị người ta chất vấn: Tại sao lại giải tán Đảng cộng sản? Tại sao lại dùng cả vua, địa chủ, tư sản để giương cao ngọn cờ mặt trận dân tộc? Họ đặt điều kiện với Bác là nếu không sửa lại và không cải cách ruộng đất thì họ không công nhận.

Cho nên lúc bấy giờ Bác bảo đảm là sẽ làm, nhưng Bác lại rất khôn khéo. Về nước năm 1951 Bác đưa ra cương lĩnh “Ba giai đoạn”. Tức là Bác muốn tránh cuộc cải cách ruộng đất khi đang còn tập trung sức lực và của cải cho kháng chiến. Bác nhấn mạnh rằng đoàn kết dân tộc là điều kiện để đánh thắng đế quốc thực dân. Người ta lại cho là phải làm cải cách ruộng đất mới có thể đánh thắng đế quốc được.

- Ông có thể nói thêm vì sao Bác  lại tuyên bố giải tán Đảng cộng sản?

- Hôm tuyên bố giải tán Đảng tôi không được dự, nhưng nghe nói lại rằng, quyết định này của Bác thật là táo bạo. Lúc đó, không làm thế cũng nguy, vì âm mưu của Tưởng là đánh đổ cộng sản. Bọn Lư Hán, Tiêu Văn đưa quân sang để “diệt Cộng cầm Hồ”. Vì vậy, ta mới lập mẹo tuyên bố giải tán đảng, chỉ tuyên bố về danh nghĩa mà thôi, còn trên thực tế đảng vẫn tồn tại.

- Xin hỏi lại ông cho rõ thêm. Ông vừa nói thực ra thì cuộc cải cách ruộng đất Bác không muốn làm, nhưng vì bị ép buộc phải làm?

- Cụ Hồ nói là Cụ sẽ làm, nhưng là làm theo con đường của ta. Tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian và địa chủ phản động chia cho những người không có ruộng, rồi thì sau này cải cách theo con đường dân chủ. Tức là để lại cho địa chủ số ruộng đất như những người khác, còn thì ưu tiên chia cho những người không có ruộng.

Theo thuyết “ba giai đoạn” thì cải cách ruộng đất để sau. Trước hết là làm giảm tô, giảm tức. Năm 1946, họp Xứ uỷ, tôi được nghe anh Trường Chinh nói: “Với chính quyền cách mạng, những cải cách nhỏ có ý nghĩa cách mạng, nhiều cải cách nhỏ cộng lại thành cuộc cách mạng lớn”. Sau Đại hội ta không nói gì đến cải cách ruộng đất, chỉ thấy nói đến lý thuyết “ba giai đoạn”, vì thế nên vào khoảng tháng 8 năm 1952 người ta mời Bác sang, nhắc lại phải thực hiện cải cách ruộng đất.

Xin cám ơn ông!

(Theo VTC)

Các tin khác

Sáng 18/5, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, thành phố Hà Nội đã tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2008).

Hội thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh.

YBĐT - Hội thi “kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Bác là hoạt động thiết thực và vô cùng có ý nghĩa đối với người dân Yên Bái.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng 25 thí sinh dự thi.

YBĐT - 25 thí sinh đến từ 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh từ huyện vùng cao xa nhất tỉnh như Mù Cang Chải đến các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố Yên Bái như đã tham dự vòng sơ khảo của hội thi.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc và đoàn công tác tới kiểm tra một điểm thăm dò khai thác đá trắng tại Lục Yên. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Ngày 15/5, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã tới thăm và làm việc tại huyện Lục Yên. Cùng đi có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục