Ngay từ tháng 10/1947, trong tình hình nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã dành thời giờ viết tác phẩm quan trọng “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó có cả một chương mang tên “Chống thói ba hoa” liên quan trực tiếp tới nghề báo.
Người đã chỉ ra 8 biểu hiện của thói ba hoa, đồng thời phân tích kỹ và có ví dụ cụ thể. Đó là: Dài dòng, rỗng tuếch; có thói “cầu kỳ”; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo sáo cũ; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ. Sau đó Bác đã chỉ ra cách chữa thói ba hoa theo 5 cách cụ thể như sau: Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như giảng sách; Phải luôn dùng những lời lẽ, ví dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”; Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết; Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận…
Tất cả những lời chỉ bảo này của Bác chủ yếu nhằm vào hoạt động lao động nghề nghiệp tuyên huấn, báo chí nhưng ít nhiều có liên quan đến phương diện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Quả thật, làm nghề gì bao giờ cũng có cái Đạo của nghề ấy, tức là vấn đề lương tâm nghề nghiệp. Đối với người cầm bút hành nghề báo chí lại càng phải ý thức sâu sắc những vấn đề này. Lao động của nhà báo làm ra sản phẩm là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hoá ở mức rất cao, nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ thật khôn lường.
Bác có không ít các ý kiến bàn về những người làm công tác báo chí cách mạng nhưng vấn đề hàng đầu mà người đòi hỏi với các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và đạo đức tốt đẹp. Tất cả những nội dung đó, có thể quy gọn vào ý kiến sau của Bác: “… phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, đi sâu vào nghiệp vụ của mình, cần phải luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Chỉ có như thế, đội ngũ những người làm báo mới xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trận văn hoá tư tưởng của Đảng, báo chí mới có tác động tích cực tới đời sống xã hội, góp phần xây dựng và phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Khánh Linh(Bài dự thi viết về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu