Thêm rộng cửa để "chiêu hiền đãi sĩ"
- Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Đây là một điều chỉnh hết sức hợp lý với tình hình thực tế, tạo điều kiện để việc thu hút cũng như đào tạo cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được hiệu quả hơn.
Yên Bái thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý...
|
Trên thực tế, thực hiện Nghị quyết số 13/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1338/2007/QĐ-UBND về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý và đạo tạo cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Đồng thời giao các sở, ban, ngành; các huyện, thị, thành phố căn cứ vào nhu cầu của cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thu hút và bố trí cán bộ KHKT trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; tổ chức thông tin rộng rãi nhu cầu thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện biện pháp thu hút...
Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu bố trí cán bộ của các sở, ban, ngành, huyện thị, thành phố có kế hoạch tạo nguồn thông qua các cơ sở đào tạo theo nhu cầu. Đến tháng 5/2008 đã có 7 sở, 3 huyện, thành phố và 1 đơn vị xây dựng kế hoạch thu hút cán bộ và đào tạo cán bộ như: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Giao thông - Vận tải, huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái... Số lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật dự kiến thu hút trong 5 năm là 568 người trong đó, có 18 tiến sĩ, 57 thạc sĩ và 493 đại học, với số kinh phí dự kiến là 8 tỷ 551 triệu đồng.
Cùng với đó trong 5 năm cũng dự kiến đào tạo 546 cán bộ trong đó có 25 tiến sĩ, 357 thạc sĩ, 14 chuyên khoa cấp I; 24 đại học cử tuyển, 126 người bồi dưỡng ngắn hạn dự kiến kinh phí đào tạo là 4 tỷ 912 triệu đồng. Mặc dù vậy không phải cơ quan nào, đơn vị địa phương nào cũng xây dựng được kế hoạch thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc. Yên Bái là một tỉnh còn nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn vì thế đây cũng chính là hạn chế của nghị quyết với điều kiện thu hút cán bộ khá cao.
Trên thực tế nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chính quy loại khá, giỏi xuất sắc rất ít, lại hầu như không có nguyện vọng về Yên Bái, vì vậy điều kiện về đối tượng thu hút của Nghị quyết gần như bất khả thi. Do vậy việc điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý và đào tạo dân tộc thiểu số là hết sức hợp lý phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, đối tượng thu hút sẽ là những cán bộ KHKT, cán bộ quản lý đang công tác ở ngoài tỉnh và con em các dân tộc trong tỉnh, có trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên phù hợp với nhu cầu của địa phương. Đối với sinh viên yêu cầu tốt nghiệp đại học chính quy thuộc các chuyên ngành nông - lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại và du lịch, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục và đào tạo, bưu chính - viễn thông, phát thanh - truyền hình, tài nguyên và môi trường phù hợp với nhu cầu sử dụng của tỉnh.
Cùng với đó là cơ chế tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp và cơ chế tiếp nhận cán bộ ngoài tỉnh về công tác tại Yên Bái đã có bổ sung quy định: đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy thuộc các chuyên ngành y tế, giáo dục được xét tuyển dụng (không phải thực hiện chế độ thi tuyển); đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là người ngoài tỉnh có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng cán bộ của tỉnh được xem xét, bố trí vào các cơ quan, đơn vị đang có nhu cầu theo đúng trình độ và ngành nghề đào tạo, được hưởng mọi quyền lợi theo chính sách thu hút của tỉnh, nếu có khả năng phát triển sẽ được ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh khi có yêu cầu.
Về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, theo như nghị quyết đề ra thì còn thấp, chưa khuyến khích được cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nay đã được điều chỉnh nâng lên. Cụ thể: đối với cán bộ dân tộc thiểu số khi được cử đi đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoài việc được hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp ưu đãi trong thời gian đi học như bồi dưỡng ngắn hạn hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng; đào tạo đại học cử tuyển 540 nghìn đồng/tháng; chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng (các mức cũ là 150 nghìn, 300 nghìn và 450 nghìn đồng/tháng).
Như vậy, từ việc điều chỉnh này cho thấy Yên Bái đã hết sức quan tâm tạo điều kiện cho việc thu hút, khuyến khích, đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý có chuyên môn, trình độ về địa phương công tác đáp ứng nhu cầu cán bộ của tỉnh cũng như góp sức xây dựng quê hương ngày một phát triển.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc giám sát đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
YBĐT - Chiều 19/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 4.
Ngày 19/8, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã trao tượng trưng hàng viện trợ khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản cho người dân vùng chịu thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua. Số hàng viện trợ bao gồm: Lều bạt, chăn màn và máy phát điện..., tổng trị giá 150.000 USD.
YBĐT - Ngày 19/8, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị sơ kết công tác những tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, đồng thời khánh thành trụ sở làm việc Ban Chỉ đạo. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.