Yên Bái: Thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời kỳ mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Kết quả đạt được của công tác dân tộc ở tỉnh Yên Bái những năm qua là vô cùng to lớn, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng bào Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ Chương trình 134 đầu tư của Chính Phủ.
Đồng bào Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ Chương trình 134 đầu tư của Chính Phủ.

Cách đây 62 năm, ngày 03/5/1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số để xem xét các vấn đề chính trị và hành chính  thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Chính phủ có Nghị định số 359 ngày 9/9/1946 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số và ngày đó được lấy là ngày chính thức thành lập cơ quan làm công tác dân tộc.

Ở tỉnh Yên Bái, ngay từ giai đoạn đầu của cách mạng công tác dân tộc đã được coi trọng, trở thành sức mạnh cùng toàn dân đấu tranh chiến thắng kẻ thù, xây dựng cuộc sống mới.Tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc được hình thành và phát triển không ngừng, đáp ứng nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.

Trong mỗi giai đoạn với tên gọi khác nhau, song cơ quan làm công tác dân tộc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền về quản lý Nhà nước và triển khai  thực hiện các chính sách dân tộc nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng chế độ XHCN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Cơ quan dân tộc đã tích cực vươn lên thực hiện tốt  nhiệm vụ tổ chức vận động ổn định định canh định cư vững chắc, xây dựng các vùng kinh tế mới, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện xoá đói giảm nghèo và các chính sách khác ở vùng dân tộc và miền núi, góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực ở vùng khó khăn này.

 

Hoàng Trung Năng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái

Kết quả đạt được của công tác dân tộc ở tỉnh Yên Bái những năm qua là vô cùng to lớn, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng- an ninh còn triển khai thực hiện tốt một số chương trình dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi được thực hiện từ năm 1999 đến nay tổng vốn đầu tư là 357.786 triệu đồng đã xây dựng được 789 công trình hạ tầng cơ sở: Giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế điện...

Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Qua 3 năm (2005-2007) đã thực hiện hỗ trợ giải quyết đất sản xuất được 1272 ha cho 5.088 hộ; giải quyết đất ở được 23,8 ha cho 1080 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 7.664 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 30.461 hộ, xây mới được 60 công trình nước tập trung, hỗ trợ xây bể và mua téc chứa nước 17.036 cái và 6.553 giếng. Tổng vốn đầu tư (2005-2007) là 82.307,5 triệu đồng.

Trong 4 năm (2003 - 2006)  đã đầu tư với tổng kinh phí là 3.000 triệu đồng gồm: hỗ trợ sản xuất cho 1.728 lượt hộ - 1.254,225 triệu đồng; hỗ trợ đời sống và sinh hoạt cho  4.404 lượt hộ -1745,775 triệu đồng. Từ 1999 – 2007 đã thực hiện trợ giá, trợ cước vận chuyển và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm III với tổng kinh phí là: 103.120 triệu đồng. Gồm : trợ giá  giống cây lương thực 2.898 tấn; trợ cước vận chuyển: 30.660 tấn muối i ốt, 4.022 tấn dầu hoả thắp sáng, 179.700 tấn phân bón; hỗ trợ tiêu thụ 4.848 tấn sản phẩm các loại (quả sơn tra, hạt ý dĩ khô, nhựa thông, chè Shan…),  giống thuỷ sản 267 tấn; hỗ trợ xây dựng 21 trạm truyền thanh cụm dân cư; cấp không thu tiền  giấy, vở cho học sinh tiểu học các xã ĐBKK.

Thực hiện chính sách tín dụng  đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn (theo QĐ số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ); đã cho 5.825 hộ tại 8 huyện , thị trong tỉnh được vay với số vốn 126.133 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK (theo QĐ số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) đã tổ chức cho 587 hộ vay số vốn 2.891 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo đã cấp 294.150 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo và nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra các chính sách, chương trình, dự án đầu tư khác cũng đang được lồng ghép triển khai thực hiện trên địa bàn.

Do làm tốt công tác dân tộc và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án , chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có sự  thay đổi tích cực, toàn diện. Biểu hiện rõ rệt trên một số mặt cơ bản là: đại bộ phận nông dân được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học vận dụng vào sản xuất và đời sống; sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm trên 7.000 tấn, bình quân lương thực đạt 294kg/người, cơ bản không còn tình trạng đói lưu niên ở vùng cao; số hộ đói nghèo giảm đáng kể (theo tiêu chí mới tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 24,1%, giảm bình quân 5% năm) , nhiều hộ đã có tích luỹ.

Các công trình  cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn bản của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã trong mùa khô, một số tuyến đường liên xã, thôn bản được bê tông hoá. Các công trình thuỷ lợi đã làm tăng thêm diện tích tưới tiêu và khai hoang mở rộng diện tích 1.423 ha.

Các công trình phúc lợi công cộng như chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... cũng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc miền núi, 60% số dân nông thôn đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới trường lớp được tăng cường, số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố  tăng, xoá bỏ được tình trạng học 3 ca, tỷ lệ phòng xây đạt  89%. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển.

Đến năm 2007, toàn tỉnh đã có 168/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 180/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 133 xã, phường thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi bằng 73,8% (mục tiêu đạt 85% trở lên vào năm 2010). Số học sinh là người dân tộc đi học ở bậc tiểu học chiếm tỉ lệ 62,91% so với tổng số học sinh bậc tiểu học; ở bậc trung học cơ sở chiếm tỉ lệ 56,86%, có 15 trường dạy chữ dân tộc (chữ Mông).

Tất cả các xã đều có trạm y tế, các thôn, bản  có nhân viên y tế. Một số trung tâm cụm xã có phòng khám bệnh đa khoa khu vực. Có 84 trạm y tế xã có cán bộ trình độ bác sĩ đạt bằng 46,67% so với tổng số; 88 xã phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm  48,3%.

Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền đã được tập trung chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở, đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã có 816/2342 số làng bản, tổ dân phố văn hoá  đạt 36,5 % (số làng bản, tổ dân phố đăng ký là 1.242 bằng 49,1%), 81,5% số hộ (129.085 hộ) gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. 

Văn hoá truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy, phong tục tập quán lạc hậu giảm đáng kể. Công tác phát thanh truyền hình có bước chuyển biến mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hầu hết các xã có điểm xem truyền hình. Đến nay đã có 92% địa bàn được phủ sóng truyền hình, 100% số xã có điểm xem  truyền hình.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đã tăng cường công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên, nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu "diễn biến hoà bình", chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch; hiểu và nắm được đường lối đổi mới của Đảng, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời kỳ mới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc. Tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới đồng bào vùng dân tộc với phương pháp và hình thức phù hợp.

Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường củng cố và đổi mới chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Tập trung củng cố các tổ chức Đảng ở vùng đồng bào dân tộc, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và là hạt nhân của mọi hoạt động. Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn, bản; luân chuyển, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất về công tác ở các xã và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tình nguyện công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đổi mới nội dung và phương pháp vận động, tập hợp quần chúng. Động viên, sử dụng người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong việc triển khai thực hiện các công tác và chính sách dân tộc ở cơ sở.

Năm là, tăng cường củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp có đủ trình độ, năng lực, đạo đức, phẩm chất chính trị, đáp ứng và  hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới...

Thực hiện chính sách dân tộc đòi hỏi không chỉ có quyết tâm cao, nhận thức đúng mà còn phải xây dựng được những cách làm có hiệu quả, các hình thức bước đi thích hợp với từng nơi, từng dân tộc, ở mỗi giai đoạn và thời điểm khác nhau cho phù hợp với những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tốc độ gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng nhằm thực hiện mục tiêu chung mà Đảng ta đã đề ra.

Hoàng Trung Năng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2008

Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 8, sáng 5/9, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nông dân Trấn Yên chăm sóc ngô.

YBĐT - Là xã vùng ba của huyện Trấn Yên (Yên Bái), Tân Đồng có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Dao, Tày. Phát huy vai trò đại đoàn kết dân tộc, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc xã đã vận động nhân dân tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể. Đến nay, 90% số hộ gia đình trong xã đều có người là đoàn viên thanh niên, hội viên các hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh.. , đạt tỷ lệ 85% các đối tượng vận động kết nạp vào hội, nhiều hộ có từ 2 – 3 hội viên, đoàn viên.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái trao gần 1.000 bộ sách giáo khoa, 4.780 bút và gần 1.000 cặp cho học sinh Văn Yên.

YBĐT - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Ngọc dự khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học An Bình, huyện Văn Yên / Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hoàng Hà dự khai giảng năm học mới tại Bạch Hà, huyện Yên Bình.

YBĐT - Kiên Thành là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên (Yên Bái). Toàn xã có 728 hộ, gồm 5 dân tộc là: Kinh, Tày, Dao, Mường, Mông. Do địa bàn hiểm trở, nhân dân sống không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều nên hiểu biết cũng như kiến thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Nhằm tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, những năm qua lực lượng Công an xã đã thực hiện tốt việc tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), xây dựng các mô hình tự quản về ANTT rộng khắp ở 12 thôn, bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục