Trấn Yên: Dấu ấn năm 2008
- Cập nhật: Thứ năm, 8/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008 đã qua và một mùa xuân mới đang về. Suốt một năm qua, mặc dù phải chịu sự tác động trực tiếp của lạm phát, giá cả tăng đột biến; thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại ở vụ xuân, ngập lụt ở vụ mùa cùng với thực hiện chia tách địa giới hành chính theo Nghị định 87 của Chính phủ đã tác động trực tiếp tới việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện
Đồng đất Trấn Yên hồi sinh sau mưa lũ.
|
Song, Trấn Yên vẫn tự hào về những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã phấn đấu đạt được. Nền kinh tế xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,1%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng với tỷ lệ nông lâm nghiệp chiếm 46,8%; công nghiệp xây dựng chiếm 30,4% và dịch vụ chiếm xấp xỉ 22,8%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 9,3 triệu đồng/ người/năm.
Cụ thể, cơ cấu cây trồng vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước tạo ra các vùng sản xuất tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh.
Cây nguyên liệu giấy, quế, tre măng Bát Độ ở các xã vùng cao như: Tân Đồng, Hồng Ca, Kiên Thành, những đồi chè xanh nối tiếp nhau chạy dài trong nắng mới ở các xã: Bảo Hưng, Việt Cường, Hưng Thịnh... và cây đao giềng ở Hồng Ca, Lương Thịnh đang là loại cây góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân các xã phía tây của huyện.
Đến các xã vùng chiến khu cách mạng, nơi đây không chỉ là tiềm năng du lịch gọi mời du khách mà còn là một lợi thế để người dân duy trì nghề chăn nuôi thuỷ sản với sản phẩm nổi tiếng là cá đầm Vân Hội. Thêm vào đó, một số sản phẩm được tiêu thụ ổn định, có chỗ đứng, sức cạnh tranh trên thị trường như măng Bát Độ, lúa chất lượng cao, chè Bát Tiên, kén tằm…
Ngoài ra, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các xã Quy Mông, Y Can, Minh Tiến tiếp tục được triển khai có hiệu quả như giống lạc L23, đậu tương DT84 góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Trên lĩnh vực sản công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Trấn Yên đã duy trì và phát triển 73 cơ sở chế biến gỗ, 19 cơ sở chế biến chè, tinh dầu quế và sản phẩm quế vỏ. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp năm 2008 đạt trên 83 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực chế biến gỗ, chè, vật liệu xây dựng.
Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản năm qua của toàn huyện đạt gần 128 tỷ đồng, vượt 112% kế hoạch. Trong đó, huyện làm chủ đầu tư 105 công trình, các ngành của tỉnh làm chủ đầu tư 16 công trình và 9 công trình được sự đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài và các doanh nghiệp. Có thể nói, công tác xây dựng cơ bản năm 2008 của Trấn Yên đã có chuyển biến tốt, đảm bảo về tiến độ chất lượng công trình, trong đó các công trình trọng điểm như: sân vận động, khu đô thị, hệ thống đường điện chiếu sáng, đường trung tâm nội thị đang được tập trung triển khai tích cực.
Đặc biệt, năm 2008, mặc dù có sự điều chỉnh về địa giới hành chính theo Nghị định 87 của Chính phủ và chịu ảnh hưởng rất lớn do cơn bão số 4 gây ra nhưng thu ngân sách trên địa bàn huyện Trấn Yên đã về đích trước 2 tháng so với kế hoạch và đạt 110,7% so với kế hoạch, đã có 21/22 xã, thị trấn hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu cân đối.
Kinh tế tăng trưởng ổn định đã tạo đà cho văn hóa, xã hội có bước phát triển mới. Trong năm đã tư vấn và giải quyết việc làm cho 1993 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn và tỷ lệ hộ nghèo xuống ở mức 15,93%.
Lĩnh vực y tế giáo dục cũng được quan tâm chú trọng. Quy mô các ngành học, bậc học tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp của huyện. Duy trì 15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và xây dựng thêm 2 xã Việt Cường, Việt Hồng đạt chuẩn trong năm 2008.
Cùng với đó, toàn huyện đã kịp thời ổn định đời sống của nhân dân sau mưa bão, xử lý tốt vấn đề môi trường, nước sinh hoạt, không để tình hình dịch bệnh xảy ra. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Các thiết chế văn hoá được duy trì thực hiện tốt từ huyện đến cơ sở và đã xây dựng thêm 12 nhà văn hoá thôn, nâng tổng số nhà văn hoá của toàn huyện lên 137 nhà, công nhận 19 làng, 151/161 đơn vị cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Với những thành tựu đã đạt được, trong năm 2009, Trấn Yên đặt ra mục tiêu giữ vững và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10,5% trở lên và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá. Tập trung cao cho khắc phục hậu quả cơn bão số 4 để ổn định sản xuất và phấn đấu đảm bảo an ninh lương thực. Xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Báo Đáp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Định hình và quy hoạch hoàn chỉnh cụm công nghiệp Hưng Khánh, Y Can. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ mục tiêu xoá đói giảm nghèo đi đôi với chăm lo đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Thu Phượng
Các tin khác
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
YBĐT - Vừa qua, đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế- xã hội tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Cùng đi có lãnh đạo các sở: Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp – PTNT, Y tế, Văn hoá - Thể thao – Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hạ viện Australia Harry Jenkins đã thăm chính thức Việt Nam. Chiều 7-1, lễ đón ông Harry Jenkins đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.
YBĐT - Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của UBND tỉnh Yên Bái.