Về nội dung định hướng phát triển các nhà xuất bản, đại biểu đề nghị bỏ chính sách ưu tiên quỹ đất cho các dự án xây dựng các nhà xuất bản tại các địa phương vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Để người dân các khu vực này tiếp cận nhiều hơn với các xuất bản phẩm thì nên đầu tư vào các thư viện, các tủ sách văn hóa tại các địa phương. Làm như vậy vừa giảm áp lực cho các địa phương về bố trí quỹ đất, giảm chi phí xây dựng các nhà xuất bản trong khi các xuất bản phẩm vẫn đến tay người đọc.
Các đại biểu đề nghị nên phân cấp về một số địa phương đọc và chịu trách nhiệm về nội dung một số xuất bản phẩm để giảm tải cho Bộ Thông tin truyền thông. Có ý kiến đề nghị cần cho phép tư nhân tham gia thành lập Nhà xuất bản để phát huy nguồn lực xã hội nhưng pháp luật cần có quy định chặt chẽ hơn. Trong hoạt động xuất bản có sự liên kết xuất bản, Dự thảo nên qui định trách nhiệm chính thuộc về nhà xuất bản đối với các xuất bản phẩm của đơn vị đó.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thủ đô; việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Về chế định Thừa phát lại, các đại biểu cho rằng, chủ trương thí điểm đã được QH giao Chính phủ qui định và thực hiện thí điểm. Báo cáo trình bày tương đối toàn diện nêu ra mặt bất cập, hạn chế về tổ chức, triển khai hoạt động. Việc triển khai thực hiện thí điểm QH giao Chính phủ từ tháng 7-2009 nhưng đến giữa năm 2010 Chính phủ mới triển khai. Phạm vi thí điểm QH giao tại một số địa phương nhưng Chính phủ mới chỉ triển khai ở một số quận ở TP Hồ Chí Minh.
Việc báo cáo tổng kết thí điểm cũng chậm hơn so với thời gian cho phép. Báo cáo đánh giá một số ý chưa phân tích sâu bởi lẽ phạm vi triển khai còn quá hẹp, công việc quá ít. Dự thảo nghị quyết nên tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại (3 năm) để tiếp tục kiểm nghiệm, nhân rộng cho cả nước.
Đại biểu QH tỉnh Yên Bái - Giàng A Chu cho ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Luật Thủ đô. So với Dự án luật lần đã được trình tại kỳ họp QH khóa trước cho ý kiến xem xét nhưng chưa được QH thông qua thì dự thảo lần này có tiến bộ, phù hợp hơn.
Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề yêu cầu Ban soạn thảo cân nhắc lại qui định về vị trí Thủ đô phù hợp với câu từ, lựa chọn biểu tượng Thủ đô phải được đưa ra bình chọn phù hợp với đặc trưng bản sắc văn hóa Hà Nội văn hiến. Về trách nhiệm xây dựng, phát triển Thủ đô qui định thẩm quyền HĐND thành phố đối với việc công nhận danh hiệu công dân danh dự thủ đô cần cân nhắc lại thẩm quyền này. Về quản lý đất đai trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý chặt chẽ, khai thác sử dụng có và phù hợp với qui hoạch xây dựng Thủ đô, kế hoạch sử dụng đất.
QH thảo luận Luật Thủ đô vào đúng thời điểm sửa đổi Luật Đất đai. Đất đai ở thủ đô luôn là thị trường “nóng” khó kiểm soát có chính sách quản lý, khai thác. Đất đai thủ đô nếu cần đưa vào luật đất đai sửa đổi. Thành phố đã có chủ trương đưa một số cơ sở giáo dục, dạy nghề, sản xuất công nghiệp, bệnh viện… ra khỏi trung tâm. Vì vậy Dự thảo luật nên có qui định cụ thể, tạo điều kiện hành lang pháp lý để các cơ quan đó chấp hành di dời.
Về quản lý dân cư, qui định nhập cư, đại biểu lựa chọn phương án theo hướng luật qui định không nên quá phức tạp, điều khoản không trái với qui định chung, đồng thời hạn chế quá tải, ô nhiễm môi trường, tiêu cực trong vấn đề nhập cư… Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô để QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 này.
Huy Văn
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu