Tăng cho vay, giảm nợ xấu
- Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2013 | 3:01:57 PM
YBĐT - Quý IV luôn có sự tăng trưởng "nóng" về tín dụng. “Đầu năm huy động, cuối năm cho vay”, dựa vào quy luật này, các ngân hàng đều đề ra mục tiêu tăng cường cho vay.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cam kết sẽ đáp ứng cho vay 100% nếu khách hàng đủ điều kiện.
|
“Chúng tôi đang hoạt động trong bối cảnh cực kỳ khó khăn” - đó là câu nói của bất kỳ cán bộ ngân hàng nào, từ nhân viên đến các lãnh đạo, ở cả ngân hàng lớn lẫn những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ trên địa bàn. Cạnh tranh hết sức khốc liệt từ huy động vốn đến cả việc tìm khách hàng tốt để cho vay, đặc biệt nguy cơ mất vốn luôn rình rập nhưng với sự lãnh đạo của ngân hàng Trung ương, của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngân hàng thương mại vẫn đang nỗ lực phấn đấu vươn lên với mục tiêu chính là tăng cường cho vay và giảm nợ xấu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 9/2013 đạt 9.030 tỷ đồng, tăng 13,07% so với đầu năm; trong đó, nguồn vốn huy động tiền gửi của các tổ chức và cá nhân tăng 7,78%, riêng nguồn tiền gửi tiết kiệm tăng 17,5%. Người làm trong ngành ngân hàng và những ai quan tâm đến lĩnh vực tài chính, tín dụng sẽ rất ấn tượng với những con số nói trên, lý do là lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian vừa qua.
Còn nhớ, ngay trong tháng giêng, đúng “mùa” huy động vốn mà không ít người phải thốt lên: “Lãi suất huy động 5%, 6% năm chắc chẳng còn ai muốn gửi tiền tiết kiệm nữa, ngoại trừ mấy ông già, bà cả”. Vậy mà đến thời điểm hiện tại, cơ cấu nguồn vốn huy động dưới hình thức tiền gửi chiếm đến 66,9% trong tổng nguồn vốn. Với nguồn vốn đủ lớn, các ngân hàng đã tập trung cho vay với tổng doanh số đạt 6.850 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, 8 tháng của năm 2013, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giải ngân, cho vay 27.399/27.501 lượt bộ hồ sơ đề nghị vay vốn (chiếm tỷ lệ 99,62%), số bộ hồ sơ không giải ngân cho vay chủ yếu do khách hàng không đủ điều kiện vay vốn. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến hết tháng 9 đạt 8.450 tỷ đồng, tăng 9,12% (tăng 706 tỷ đồng so với đầu năm).
Đã thành quy luật, quý IV luôn có sự tăng trưởng "nóng" về tín dụng. “Đầu năm huy động, cuối năm cho vay”, dựa vào quy luật này, các ngân hàng đều đề ra mục tiêu tăng cường cho vay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Yên Bái đang hướng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% khi kết thúc năm, hiện tốc độ tăng trưởng đã đạt trên 9% - cao hơn thời điểm này năm 2012 (cả năm 2012, tốc độ tăng trưởng là 9,1%).
Đạt tốc độ tăng trưởng 18% không dễ, nhất là khi không có các dự án lớn để cho vay. Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Agribank Yên Bái cho biết: “Cơ sở để chúng tôi đề ra mục tiêu phấn đấu cao như vậy là do lãi suất hiện nay rất thấp, giá vốn thực sự không còn là gánh nặng của các khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Thời điểm cuối năm, nhiều loại cây trồng được tập trung thu hoạch và chế biến như: chè, quế, sắn… là những sản phẩm gắn liền với địa bàn hoạt động của Agribank”.
Khách đến giao dịch tại Agribank Văn Yên
Đồng quan điểm với lãnh đạo Agribank Yên Bái, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) - ông Phạm Trung Tùng nhấn mạnh thêm: "Dịp cuối năm, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; người dân tăng cường mua sắm, xây dựng nhà cửa; các doanh nghiệp xây dựng cũng đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao các gói thầu của mình".
Hiện nay, BIDV Yên Bái đạt tổng dư nợ 2.026 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao (khoảng 4%) nhưng doanh số cho vay lại khá lớn. Lý do là các khách hàng của BIDV chủ yếu vay ngắn hạn (đến hạn thì trả, khi cần lại vay), vì thế dòng tiền ra vào ngân hàng thường xuyên nhưng tổng dư nợ cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng không đáng kể.
Câu chuyện nợ xấu của các ngân hàng luôn “nóng” nhưng đó là câu chuyện không xảy ra trên địa bàn Yên Bái. Một chuyên gia ngân hàng nhận định: “Các ngân hàng Yên Bái tránh được nợ xấu vì thứ nhất, thị trường bất động sản chưa phát triển; thứ hai, tuân thủ khá nghiêm các thủ tục trong quy trình cho vay”.
Theo thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống tính đến thời điểm 31/8/2013 là 1,97% (thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của cả nước), giảm 0,3% so với thời điểm 31/12/2013. Kết quả này ghi nhận sự cố gắng của các ngân hàng trong việc thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã thu được 20 tỷ đồng trên tổng số 182 tỷ đồng được xem là khó đòi.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của Agribank Yên Bái là 2,8%, của BIDV Yên Bái dưới 1%, Chi nhánh Ngân hàng Kỹ thương mới thành lập nên nợ xấu bằng không.
Tuân thủ nghiêm quy trình cho vay là giải pháp mà các ngân hàng thương mại đưa ra, có những ngân hàng còn coi thu nợ là nhiệm vụ số 1 trong suốt một thời gian dài. Trong câu chuyện giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang nổi lên vấn đề là rất nhiều món nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng nhà đất.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, việc phát mại để thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn dù món vay không lớn, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tài sản thế chấp. Dù sao thì các ngân hàng thương mại vẫn nắm những tài sản có giá trị trong tay nên khả năng mất vốn rất thấp, có chăng thiệt hại cũng chỉ là vấn đề khê đọng vốn mà thôi.
Lê Phiên
Các tin khác
Tổng cục Thuế treo thưởng từ 25-100 triệu cho các đơn vị thu vượt dự toán quý IV để động viên ngành thuế "chạy nước rút" trong năm khó khăn 2013.
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 11 (bão Nari), Vietnam Airlines thông báo từ ngày 16/10 sẽ duy trì lịch bay như thường lệ tại tất cả các sân bay.
Tại quyết định điều chỉnh nhân sự Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, Thủ tướng đã thay thế 4 vị trí và bổ sung thêm 2 nhân sự. Trong đó, thay vào vị trí của ông Vương Đình Huệ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
YBĐT - Không có những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp như các xã lân cận khu vực trung tâm huyện lỵ nhưng Mậu Đông lại được biết đến là vùng trọng điểm sản xuất sắn hàng hóa của huyện Văn Yên. Từ năm 2002 trở lại đây, sắn đã thực sự trở thành cây thế mạnh và chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương này.