Nhiều giải pháp giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2014 | 2:49:05 PM
YBĐT - Từ năm 2011 - 2013, Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi lợn nái tại 6 xã: Hòa Cuông, Vân Hội, Minh Quán, Cường Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường với 135 hộ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều hộ gia đình nghèo ở Trấn Yên được hỗ trợ vốn, giống để phát triển kinh tế.
|
Gia đình anh Lò Văn Khoa ở thôn 6, xã Minh Quán là một trong số trên 100 hộ nghèo ở Trấn Yên được hưởng lợi từ Dự án "Hỗ trợ lợn nái sinh sản cho hộ nghèo" từ năm 2011.
Anh bộc bạch: "Từ khi được Dự án hỗ trợ con giống, gia đình tôi đã đầu tư thêm vốn mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, lợn mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 10 đến 12 con, gia đình để lại nuôi xuất bán lợn thịt và trung bình mỗi năm xuất bán trên 2 tấn lợn thịt, thu lãi trên 15 triệu đồng. Khoản thu nhập này đã thực sự giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn và có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống". Nhà anh Nguyễn Văn Tuấn thuộc diện hộ nghèo ở thôn Bản Chao, xã Việt Hồng.
Anh Tuấn cho biết: "Nhà có 5 khẩu nhưng chỉ dựa vào sức lao động của 2 vợ chồng, mẹ già yếu, các con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, được hỗ trợ cây giống, phân bón và được tạo điều kiện vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình đầu tư mua một con bò sinh sản. Hiện trong chuồng của gia đình có 3 con bò, 1 con nghé. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, cuộc sống gia đình đã khá hơn nhiều".
Thực hiện các giải pháp về công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), hàng năm, Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch, đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể, sát thực. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn xác định, để công tác này thực sự bền vững phải tạo cho người nghèo sự thay đổi tư duy, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, do vậy công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu.
Cùng với tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở, huyện còn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời là tăng cường điều tra, giám sát thực hiện chính sách đối với đối tượng được thụ hưởng, nhất là các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình chính sách xóa nhà tạm, dột nát nhằm phát hiện những sai sót, không phù hợp trong đầu tư, hỗ trợ để kịp thời uốn nắn.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng được thực hiện tới tận thôn, xóm nhằm phổ biến các mô hình, điển hình trong công tác giảm nghèo để người dân áp dụng vào quá trình phát triển kinh tế gia đình.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Trấn Yên, qua hơn 3 năm thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể; một số chương trình, dự án phát huy hiệu quả, tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đó, nổi bật là chương trình hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Ba năm qua, đã có trên 10.270 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ gần 140 tỷ đồng.
Cùng các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, các hộ nghèo dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ trên 7 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Từ năm 2011 - 2013, Trấn Yên triển khai Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi lợn nái tại 6 xã: Hòa Cuông, Vân Hội, Minh Quán, Cường Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường với 135 hộ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 2.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề; trên 4.000 lượt người tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng chè, tre măng Bát Độ, trồng lúa chất lượng cao, trồng dâu nuôi tằm, trồng đao riềng. Ngoài ra, các thôn, bản, các xã đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thủy lợi, đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp XĐGN đã tạo chuyển biến toàn diện về công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng trên địa bàn huyện Trấn Yên. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 21,42%, toàn huyện có 19/21 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên về xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu bình quân hàng năm giảm từ 4% số hộ nghèo trở lên, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi trong hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng; chú trọng đa dạng hóa nguồn vốn huy động đầu tư phát triển sản xuất; tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Kim Tiến
Các tin khác
Techcombank vừa được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trao giải thưởng “Ngân hàng phát hành tốt nhất toàn cầu năm 2013 - Best Issuing Bank Partner (Global)”.
Quy ra tiền Việt theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện tương đương với 34,08 triệu đồng, rẻ hơn giá trong nước khoảng 2 triệu đồng.
Nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng lớn, nhưng Việt Nam đang thiếu cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực.
Cục Thú y cho biết, trong tuần qua (từ ngày 4/3-11/3/2014), nhiều địa phương đã kiểm soát tương đối tốt các ổ dịch cúm. Số ổ dịch mới phát sinh giảm nhiều so với tuần trước. Cụ thể: Chỉ có 3 ổ dịch tại 2 tỉnh mới và 6 ổ dịch tại 4 tỉnh cũ so với tổng số 23 ổ dịch mới của tuần trước.