Khao Mang tập trung phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/3/2014 | 1:23:00 PM

YBĐT - Hiện nay, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tập trung chỉ đạo nhân dân dần xóa bỏ 88ha lúa nương năng suất, chất lượng thấp sang trồng ngô cho giá trị kinh tế cao hơn; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên thôn, đời sống nhân dân những năm gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể.

Chăn nuôi bò sinh sản ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải).(Ảnh: H.N)
Chăn nuôi bò sinh sản ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải).(Ảnh: H.N)

Tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng bộ xã Khao Mang chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân ở 10 thôn, bản đẩy mạnh mở rộng diện tích lúa nước, đưa giống lúa lai vào gieo cấy trên toàn bộ diện tích, đúng khung thời vụ, chủ động nguồn nước, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây lúa. Đây là biện pháp căn bản để địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững.

Những năm trước đây, do tập quán của đồng bào Mông chỉ thâm canh lúa 1 vụ mùa/năm nên sản lượng thóc cung ứng cho trên 700 hộ dân là không đủ ăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ đông xuân, xã đưa các giống lúa lai, lúa thuần có khả năng chịu rét, chịu hạn, kết hợp với vận động nhân dân tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng, tăng cường nguồn nước cho đồng ruộng. Năm 2008 là năm đầu tiên xã đưa vào gieo cấy lúa đông xuân với diện tích 20ha, năng suất đạt 41 tạ/ha.

Từ những thành công ban đầu, đến nay, diện tích lúa đông xuân toàn xã đưa vào gieo cấy đạt trên 150ha, năng suất nâng lên 46 tạ/ha. Cùng với đó, diện tích lúa mùa hàng năm đưa vào gieo cấy ổn định 210ha, năng suất đạt 38,5 tạ/ha. Tận dụng đất đồi, đất soi bãi, những năm gần đây, diện tích ngô tăng khá mạnh, từ 80ha năm 2008 lên gần 200ha năm 2013, năng suất trung bình 41 tạ/ha. Qua đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp những năm gần đây cho thấy, tổng sản lượng lương thực có hạt đã tăng từ 2.900 tấn năm 2010 lên 3.055 tấn năm 2013, trong đó tổng sản lượng lúa đạt 2.229 tấn, ngô 826 tấn.

Đồng chí Giàng A Vàng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang cho biết: “Để đạt được những thành công ban đầu, chúng tôi luôn tăng cường xuống cơ sở cùng các tổ chức đoàn thể chỉ đạo quyết liệt việc gieo cấy đảm bảo đúng khung thời vụ. Hiện nay, xã không còn hộ đói giáp hạt như trước. Về lương thực, cơ bản đã đảm bảo tự cung tự cấp tại địa phương. Bên cạnh cây lúa, cây ngô đảm bảo đủ no cho cái bụng của người dân. Những năm qua, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều giống cỏ để giúp cho việc chăn nuôi gia súc, chủ động làm chuồng trại phòng chống rét cho gia súc, gia cầm”.

Nhờ thế, đàn gia súc, gia cầm của xã 3 năm trở lại đây có mức tăng trưởng khá, đàn trâu hiện có 950 con, bò 387 con, dê 400 con, lợn 2.188 con và gia cầm các loại 7.974 con. Dịch bệnh nhiều năm không xảy ra, nguồn thịt cung ứng ra thị trường mang về nguồn thu trên 3 tỷ đồng mỗi năm cho nhân dân. Đây là những yếu tố cơ bản để hàng năm, xã quyết tâm giảm 5% số hộ nghèo theo nghị quyết Đảng bộ xã đề ra đến năm 2015.

Thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm gần đây, Khao Mang đã đẩy mạnh tuyên truyền và ký kết với người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng. Xã đã thành lập Ban Quản lý, bảo vệ rừng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên, các trưởng thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không chặt củi, đốt nương. Các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao vào mùa khô đều bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ; tổ chức phát 12 tuyến đường băng cản lửa với chiều dài 12km.

Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá rừng và cháy rừng đã giảm hẳn so với những năm trước đây. Toàn bộ trên 4.000ha đất lâm nghiệp gồm rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng đã giao cho các nhóm hộ quản lý. Hàng năm, nhân dân đưa vào trồng mới gần 100ha rừng bằng các loại cây như: thông, sơn tra, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 50%.

Hiện nay, Khao Mang tập trung chỉ đạo nhân dân dần xóa bỏ 88ha lúa nương năng suất, chất lượng thấp sang trồng ngô cho giá trị kinh tế cao hơn; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên thôn, đặc biệt là tuyến Seo Mả Pán B sang bản Háng Bla Ha A, công trình đường bản Páo Sơ Dào sang bản Séo Mả Pán A, tuyến từ quốc lộ 32 đi bản Háng Bla Ha A. Xã đã hoàn thành 4/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân, đời sống nhân dân những năm gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể.

Thái Hưng

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng và cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.

YBĐT - Cơ chế phù hợp, năng động, sáng tạo, biết khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh, đặc biệt là sự đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền huyện đã đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Yên Bình (Yên Bái) lên một vị thế mới.

Nhân dân xã Hồ Bốn làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Năm nay, huyện Mù Cang Chải được giao chỉ tiêu mở mới 82,3km đường đất chiều rộng 3,5m và kiên cố hóa bê tông 14,4km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 22 tỷ 725 triệu đồng, trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 11 tỷ 202 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 4 tỷ 803 triệu đồng, nhân dân đóng góp 6 tỷ 720 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Đà đi xuống từ đầu tuần vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi giá vàng trong nước sáng nay (26/3) tiếp tục giảm 20.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên trước đó.

Vĩnh Thịnh là cây cầu dài nhất vượt sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây, Hà Nội với huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cầu vừa hợp long tháng 12/2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục