Bước vào niên vụ sản xuất chè 2014, bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất chế biến chè phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thị trường tiêu thụ không ổn định, tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra triền miên. Hàng vạn hộ nông dân ở Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên... gắn bó với cây chè, nghiệp chè từ vài ba chục năm đều phải thốt lên: “Chưa năm nào việc sản xuất kinh doanh chè lại khó khăn như năm nay”.
Đầu năm rét đậm, rét hại, rồi lại hạn hán dẫn đến cây chè sinh trưởng phát triển rất kém. Gần hết tháng 4, vậy mà, nhiều hộ gia đình làm chè ở Yên Bình, Trấn Yên và Văn Chấn vẫn chưa thu hoạch được lứa chè nào dẫu việc đầu tư, chăm bón nhỉnh hơn. Đến cuối tháng tư, đầu tháng năm, thời tiết thuận lợi hơn, những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện và cây chè bắt đầu hồi sinh trở lại. Không chỉ vậy, giá chè cũng khá hơn cùng kỳ, cuộc sống người làm chè dần ổn định. Nguyên liệu dồi dào, các doanh nghiệp chế biến chè cũng đã đi vào sản xuất, xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau chất đầy nguyên liệu về nhà máy. Hương chè nồng nàn, lan tỏa khắp các vùng quê. Giá một ki-lô-gam chè búp tươi loại A doanh nghiệp nhập giá tới 3.600 đồng, thậm chí 4.000 đồng/kg nhưng không có để mua, còn giá bình quân đều giữ ở mức trên dưới 3.500 đồng/kg, chè Shan vùng cao, chè giống nhập nội như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên có giá 8.000 - 12.000 đồng/kg.
Thực tế giá vật tư phân bón cho trồng phát triển chè có tăng hơn nhưng bà con, doanh nghiệp vẫn đầu tư ở mức khá cùng với khí hậu thời tiết khá thuận lợi chè sinh trưởng phát triển tốt năng suất cao. Nhiều nông dân còn biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thâm canh chè sạch (IPM), năng suất bình quân 80 tạ/ha, nhiều diện tích đạt 90 - 100 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn phấn khởi đưa chúng tôi đi thăm vùng chè Shan tuyết Nậm Búng, Gia Hội và vùng chè thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
Vừa đi ông Toản vừa cho biết, đây là vùng chè trồng mới và trồng cải tạo bằng các giống mới, phương pháp mới lại được đầu tư chăm sóc bài bản từ khi kiến thiết cơ bản đến thu hái nên năng suất đều đạt trên 16 tấn/ha. Với mức giá thu mua như hiện nay, mỗi héc-ta chè Shan vùng cao cũng mang về cho người dân trên 80 triệu đồng/năm, một con số mơ ước của người làm chè bao đời nay. Hiện nay, Văn Chấn đã trồng và cải tạo gần 400ha chè Shan tuyết vùng cao bằng phương pháp giâm cành và khoảng 200ha đã cho thu hoạch, năng suất đều đạt trên 12 tấn/ha.
Niềm vui được giá, được mùa chè chưa được bao lâu thì tình hình kinh tế ở các nước tiêu thụ chè truyền thống của Việt Nam gặp khó khăn. Đặc biệt, ở một số nước thuộc Liên bang Nga cũ có bất ổn về chính trị, thế là chè xuống dốc thê thảm, không chỉ giá thấp mà các đối tác còn ngừng hẳn nhập hàng. Hàng loạt các doanh nghiệp điêu đứng, hàng ngàn tấn chè sản xuất ra nhưng đều bỏ kho, không tiêu thụ được cũng đồng nghĩa với giá thu mua nguyên liệu thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn tài chính bù đắp cho chi phí nằm “chờ” thị trường.
Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: “Thị trường tiêu thụ chè năm 2014 đầy biến động, đã vậy, sự đòi hỏi ngày một khắt khe hơn. Có những tháng Công ty không xuất được một ki-lô-gam hàng nào. Lượng tồn kho có lúc lên gần ngàn tấn. Doanh nghiệp đã rất nỗ lực mới có thể vượt qua khó khăn ấy”. Trước thực trạng đó, các ngành, các cấp đã vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp tỏa đi các nơi tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Gần cuối năm, các thị trường truyền thống bắt đầu “ăn” hàng trở lại và đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã tiêu thụ hết lượng chè sản xuất ra.
Trải qua một năm đầy biến động nhưng bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và hàng chục vạn hộ làm chè Yên Bái vẫn đưa sản xuất kinh doanh chè cán “đích”. Tuy nhiên, qua đó, chúng ta thấy, ngành chè Yên Bái vẫn chưa có những bước đột phá như mong muốn. Sản xuất kinh doanh vẫn quá phụ thuộc vào thời tiết và sự điều tiết của các đối tác. Do đó, cần có một tư duy mới, chiến lược mới trong những năm tiếp theo để ngành chè phát triển bền vững.
Ngọc Trúc
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu