Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2013, thời gian thực hiện từ ngày 1/6/2013 đến ngày 31/12/2016. Để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của tỉnh, từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương trong tỉnh đều tích cực triển khai các hoạt động điều tra, kiểm kê rừng.
Dự án nhằm xác định và nắm bắt diện tích rừng; trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước; thiết lập được hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng. Thành quả của Dự án là cơ sở để thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất rừng hàng năm và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, đồng thời là thông tin phục vụ cho công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và làm căn cứ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Để công tác kiểm kê rừng tiến hành theo đúng kế hoạch, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng cấp tỉnh; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo kiểm kê rừng cấp huyện và các tổ công tác để triển khai thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ kiểm kê rừng, các ban kiểm kê rừng cấp huyện phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ kiểm kê rừng cho các thành viên tổ giúp việc cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã và tổ kiểm kê rừng cấp xã. Qua các khoá tập huấn này, các học viên tham gia đều nắm chắc nội dung, phương pháp, kỹ thuật liên quan đến công tác kiểm kê rừng.
Vừa qua, huyện Yên Bình đã hoàn thành kiểm kê rừng ở xã điểm Đại Đồng. Tại đợt kiểm kê này, thành viên tổ kiểm kê rừng đã cùng các trưởng thôn trong xã và các chủ rừng cùng nhau tính toán, kiểm tra thực tế để đưa ra con số chính xác về hiện trạng, diện tích, ranh giới rừng, loài cây và mật độ cây.
Qua kiểm kê, đối với chủ rừng nhóm I, diện tích kiểm kê 3.177 ha, trong đó diện tích UBND xã quản lý 1.449 ha, diện tích nhóm chủ 445,58 ha, diện tích hộ gia đình 1.281,47 ha. Đến nay, tổ kiểm kê rừng của xã đã sao lưu đóng gói và bàn giao sản phẩm kiểm kê rừng cho Ban chỉ đạo kiểm kê rừng của huyện. Đối với chủ rừng nhóm II, diện tích kiểm kê là 406,38 ha. Tuy nhiên, các chủ rừng trên địa bàn xã Đại Đồng chưa cung cấp sản phẩm kiểm kê rừng cho tổ kiểm kê rừng của huyện.
Qua đợt kiểm kê rừng thí điểm tại xã Đại Đồng cho thấy, công tác kiểm kê rừng đang gặp một số khó khăn nhất định. Đa số diện tích rừng trồng của người dân có nhiều lô rừng khác nhau về trạng thái như: khác tuổi, khác loài nên gặp khó khăn trong việc tổng hợp số liệu ghi biểu.
Một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hiện nay đã thế chấp ngân hàng hoặc một số diện tích rừng nằm tại địa bàn xã nhưng chủ sử dụng là người địa phương khác. Một phần diện tích do UBND xã quản lý nhưng một số hộ gia đình đang canh tác, sử dụng chưa thống kê được đối tượng sử dụng vào diện tích này.
Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án là theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí kiểm kê cho nhóm chủ rừng là các hộ dân, còn đối với các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phải tự bỏ kinh phí thực hiện. Vì thế, các ban quản lý rừng gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện bởi nguồn chi thường xuyên rất hạn hẹp, việc cấp kinh phí bổ sung từ ngân sách thường chậm...
Một số diện tích rừng còn có sự chồng chéo giữa các chủ quản lý; giữa các hồ sơ được cấp giấy chứng nhận trong những năm trước đây và người dân tại các địa phương có sự tranh chấp về ranh giới. Vì vậy, khó khăn trong việc phân chủ quản lý theo sự mong đợi của Dự án. Diện tích điều tra trải rộng trên nhiều xã, địa hình khó khăn phức tạp, vì vậy, đã ảnh hưởng đến tiến độ và kéo dài thời gian bàn giao kết quả điều tra rừng tại các địa phương nên công tác kiểm kê rừng tại các địa phương chậm so với kế hoạch đề ra.
Công tác tuyên truyền tại các địa phương chưa thường xuyên. Một số bộ phận người dân địa phương chưa hợp tác với tổ công tác kiểm kê rừng cấp xã, huyện trong việc lập hồ sơ, kê khai.
Có thể thấy, đến thời điểm này, các đơn vị đã thực sự nỗ lực, cố gắng. Tuy nhiên, để công tác kiểm kê rừng hoàn thành theo đúng tiến độ, các sở, ban, ngành, huyện, thị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của công tác điều tra, kiểm kê rừng; phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tuyên truyền, tập huấn cho các chủ rừng, hộ gia đình về nội dung của phương án kiểm kê rừng.
Văn Thông
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu