Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững

YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã ở mức báo động, bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng mà còn hệ luỵ tới cả thế hệ sau. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bằng việc đưa các giống cây con chất lượng, hiệu quả xóa đói giảm nghèo và làm giàu thì phải gắn với sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái có bước phát triển vượt bậc, nhiều vùng quê, người nông dân đã sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường. Tỉnh cũng đã quy hoạch và đi vào sản xuất lúa, gạo hàng hóa với diện tích 2.500 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng chè trên 11.000 ha, vùng sắn cao sản trên 15.000 ha, măng tre Bát độ trên 3.500 ha, quế trên 33.000 ha...

Chăn nuôi, thủy sản phát triển không ngừng, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt 3%; đưa tổng đàn đạt trên 635.000 con; sản lượng thịt hơi đạt trên 33.500 tấn mỗi năm. Vùng cánh đồng Mường Lò, khu vực thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên và Trấn Yên cũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh rau màu.

Bên cạnh đó, đã xây dựng được những vùng cây ăn quả với diện tích trên 6.000 ha như: vùng bưởi Khả Lĩnh ở xã Đại Minh và Hán Đà (huyện Yên Bình); vùng cam, quýt (huyện Văn Chấn). Những thành quả ấy thật đáng mừng và đang khẳng định hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, từ lâu nay, vấn đề ATVSTP luôn được sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo ra các sản phẩm sạch chính là hướng phát triển hiệu quả, bền vững. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản xuất nông nghiệp an toàn.

Từ đó, rất nhiều hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, đã có hàng trăm hộ chăn nuôi, sản xuất rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận áp dụng quy định VietGAP. Song song với đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

5 năm qua, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 1.455 cơ sở và lấy trên 901 mẫu phân tích và test nhanh gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh rau, củ quả, kinh doanh thịt, giò, chả, sản phẩm chè, thủy sản. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở đã có ý thức trong việc bảo đảm ATVSTP, chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và chưa phát hiện thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn.

Cho đến nay, Yên Bái vẫn chưa phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thực tế cho thấy việc sản xuất, canh tác của khá nhiều hộ nông dân có sử dụng các loại phân bón hóa học và lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng đó về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất khi đất canh tác bị nhiễm độc, mất dần độ màu mỡ, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng.

Bên cạnh trồng trọt, các vấn đề trong chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng, chất thải, vệ sinh chuồng trại cũng là một vấn đề đáng lo ngại, trong khi diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi phức tạp. Những vấn đề đó không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của nông dân mà còn gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng.

Giải pháp tốt nhất, cấp bách nhất hiện nay là chúng ta phải làm thay đổi phương thức sản xuất cũ của nông dân, khuyến khích và có những cơ chế thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng ATVSTP, nâng cao chất lượng nông sản. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi người chăn nuôi, mỗi hộ sản xuất nông sản hãy áp dụng “3 không và 4 đúng".

3 không  đối với sản xuất rau củ quả là: không sử dụng chất cấm trong trồng rau; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất ngoài danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

4 đúng là: đúng thuốc (sâu bệnh nào thuốc nấy, xác định đúng sâu, bệnh để sử dụng đúng thuốc); đúng lúc (thuốc để trị sâu, bệnh chỉ đạt hiệu quả cao khi sử dụng đúng thời điểm); đúng liều lượng, nồng độ (theo liều lượng sử dụng thuốc ghi trên nhãn mác hoặc hướng dẫn của cán bộ chuyên môn); đúng cách (sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch).

Trong chăn nuôi cũng vậy, không sử dụng chất cấm (chất tạo nạc, chất “vàng ô”); không sử dụng hoá chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y ngoài danh mục được phép dùng trong chăn nuôi. Sử dụng đúng thuốc (xác định đúng bệnh để sử dụng đúng thuốc); đúng lúc (thuốc để trị bệnh chỉ đạt hiệu quả cao khi sử dụng đúng thời điểm); đúng liều lượng và đúng cách.

Có thể nói, trước nhu cầu bảo đảm ATVSTP của người tiêu dùng, việc phát triển nông nghiệp sạch góp phần cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng là hết sức quan trọng. Canh tác nông nghiệp sạch không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người dân đến gần hơn nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới bền vững.

 Thanh Phúc

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

fb yt zl tw