Hướng nghiệp gắn liền với thực tế

YBĐT - 5 giờ 45 phút, tiếng trống báo thức của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Xuân Tầm, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên vang lên. Hai em Triệu Tòn Ton, Triệu Tòn Thim - học sinh lớp 6B mau chóng thức dậy cùng với 108 học sinh bán trú toàn trường. Sau khi vệ sinh cá nhân, quét dọn phòng ở, Ton và Thim cùng nhau xuống chuồng bò cách đó 150 mét.

Hôm nay đến lịch của hai em được phân công chăn bò. Dọn chuồng sạch sẽ, Ton và Thim dắt bò lên đồi buộc vào gốc cây. Cẩn thận xem lại nút buộc bò đã chắc chắn, hai em lại cùng nhau đến lớp. 9 giờ 5 phút, thời gian nghỉ ra chơi tiết 2, đôi bạn tranh thủ đổi vị trí buộc bò đến nơi có nhiều cỏ hơn.

Tan học, ăn trưa, nghỉ ngơi và hoàn thành tự học lúc 15 giờ, hai em đưa bò ra ăn cỏ ở cánh đồng trước trường và đá bóng với các bạn. Vừa chơi vừa nhớ lời dặn của thầy cô, Ton và Thim thay nhau canh chừng hai con bò không để chúng phá rau màu. Dạo này, trời chưa rét lắm, 6 giờ tối thì Ton và Thim mới đưa bò về chuồng.

Nếu bò chưa no căng bụng, về chuồng sẽ được ăn thêm cỏ voi, rơm khô, chuối băm. Ngoài ra, cứ một tuần có ba bữa cháo dành riêng cho hai con bò tận dụng từ nguồn cơm canh thừa của học sinh bán trú. Nhà Thim nuôi 6 con trâu nên việc chăn bò thế này cũng không lạ lẫm, chỉ có Ton bắt đầu làm quen vì nhà không nuôi gia súc.

Hai em Triệu Tòn Ton, Triệu Tòn Thim cho bò ăn cỏ voi.

Đã gần một tháng nay, học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm trở nên quen thuộc với hình ảnh đôi bò sinh sản được các bạn nam chăn thả hàng ngày. Cuối tháng 10 năm 2016, đồng chí Trần Huy Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện ủy Văn Yên đã trực tiếp đến trao một con bò giống cho nhà trường. Đây chính là kết quả thực hiện kết luận của Thường trực Huyện ủy Văn Yên về việc khuyến khích học sinh các trường PTDTBT trồng cỏ, nuôi bò. Đối với các trường PTDTBT trồng được diện tích cỏ từ 500 m2  trở lên, huyện sẽ hỗ trợ một con bò cái sinh sản từ nguồn xã hội hóa.

Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: “Học sinh các trường PTDTBT trên địa bàn huyện trước nay đều đã quen với việc tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà. Những công việc này vừa giúp các em có tinh thần hăng say lao động, sản xuất vừa giúp các nhà trường có thêm một nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn. Theo kết luận của Thường trực Huyện ủy, việc khuyến khích các em học sinh bán trú trồng cỏ, nuôi bò là một chủ trương hết sức mới mẻ, mang tính chất hướng nghiệp cho học sinh. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tập trung chỉ đạo các trường PTDTBT thực hiện tốt các nội dung để triển khai hiệu quả các yêu cầu của Huyện ủy, UBND huyện”.

Thầy giáo Nguyễn Thành Đông - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm thật sự hào hứng khi trao đổi về việc tổ chức thực hiện trồng cỏ, nuôi bò.

Thầy Đông cho biết: “Ngay sau khi nhận được Công văn số 79/PGDĐT-GDDT ngày 5/5/2016 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc hướng dẫn triển khai thực hiện trồng cỏ, nuôi bò tại các trường bán trú, nhà trường đã nhanh chóng thực hiện hiệu quả. Nguồn cỏ voi do các em học sinh lấy ở gia đình, các thầy cô xin từ bên ngoài đã trồng đủ diện tích 500m2 theo yêu cầu."

" Hiện nay, xã đang hoàn thiện sân vận động, nhà trường đã báo cáo, tham mưu, đề xuất xin được trồng cỏ voi vào ta-luy âm quanh sân vận động, ước chừng sẽ có thêm 800m2. Khi người dân thu hoạch lúa, chúng tôi cũng đã xin thu gom, đánh hai cây rơm làm thức ăn dự trữ cho đôi bò trong mùa đông này. Chuồng bò rộng 9m2 do các thầy cô và học sinh tham gia ngày công lao động, vị trí xây dựng không ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của nhà trường, nhân dân, cũng như không làm giảm diện tích sân chơi, bãi tập, tăng gia sản xuất”. Thầy Đông nói.

Khi có đủ các điều kiện theo quy định, nhà trường đã báo cáo địa phương, cơ quan chuyên môn nghiệm thu và cấp bò. Một con bò đã được đồng chí Bí thư Huyện ủy đến tận nơi trao, một con bò nữa do UBND xã Xuân Tầm và nhà trường tiết kiệm chi khác để đầu tư cùng với chủ trương của huyện bởi theo kinh nghiệm dân gian là nuôi bò phải có đàn.

Công việc chăn thả bò hàng ngày giao cho các em học sinh nam ở bán trú tại trường theo lịch là cứ hai em một ngày. Hỗ trợ đắc lực cho các em, nhà trường đã phân công hai thầy giáo trực tiếp phụ trách. Hiệu trưởng Nguyễn Thành Đông chia sẻ: “Chúng tôi phân công hai thầy giáo giảng dạy môn Sinh học phụ trách việc này trên cơ sở bảo đảm làm sao đôi bò được chăm sóc một cách tốt nhất. Những ngày nghỉ tết và tháng 6, tháng 7 nghỉ hè, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, một là sẽ thuê nhân viên bảo vệ trường kiêm luôn chăn thả bò, hai là gửi về gia đình các thầy cô giáo ở ngay tại địa phương có nuôi trâu, bò”.

Thực tế hiện nay, Xuân Tầm có hơn 800 con trâu, còn bò thì có rất ít do người dân chưa thích chăn nuôi bò. Đồng chí Trần Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm cho biết: “Cùng với nghiêm túc thực hiện chủ trương của Thường trực Huyện ủy, xã đã hỗ trợ kinh phí cùng nhà trường đầu tư mua thêm một con bò sinh sản. Chúng tôi thật sự mong muốn từ việc trồng cỏ, chăn bò hàng ngày, các em học sinh sẽ trở thành những người tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, hàng xóm về việc chăn nuôi, phát triển đàn bò tại địa phương”.

Chú trọng thực hiện chủ trương này, xã đã giao nhiệm vụ cho khuyến nông viên cơ sở phụ trách xã phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong quá trình chăm sóc, quản lý, nhân giống... cho đôi bò đúng kỹ thuật, kịp thời, hiệu quả.

Tính đến hết tháng 10 năm 2016, đã có 5/8 trường PTDTBT của huyện Văn Yên thực hiện bảo đảm đủ các điều kiện về diện tích trồng cỏ, khu dự trữ thức ăn, chuồng trại... và được cấp nuôi một con bò sinh sản. Các trường còn lại đang tích cực triển khai việc trồng cỏ, quy hoạch diện tích làm chuồng, khu dự trữ thức ăn trong mùa đông... để được cấp bò giống đợt 2 trong năm học 2016 - 2017.

Ngoài Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Tầm mua thêm một con bò giống sinh sản, Trường PTDTBT TH&THCS Mỏ Vàng cũng đã mua thêm một con trâu cái sinh sản. Điều quan trọng hơn hết khi thực hiện hiệu quả chủ trương này chính là công tác hướng nghiệp đã gắn liền với thực tế.

Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên khẳng định: “Chúng tôi xác định việc thực hiện chủ trương của Huyện ủy phải thực chất, bền vững, không vì thành tích. Các đơn vị trường học đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ, đáp ứng các nội dung".

"Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các địa phương tiếp tục quy hoạch, quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nhà trường có đủ diện tích đất để trồng cỏ, xây dựng chuồng nuôi, khu dự trữ thức ăn... theo hướng ổn định, lâu dài, hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan tiếp tục kiểm tra, nghiệm thu kết quả của các đơn vị trường học còn lại để tư vấn, góp ý cho nhà trường có đủ điều kiện được cấp bò nuôi đợt 2 trong năm học này”. Thầy Sơn nói.

Nguyễn Thơm

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội điều chỉnh giao thông ban đêm trên cầu Nhật Tân

Hà Nội điều chỉnh giao thông ban đêm trên cầu Nhật Tân

Từ ngày 25/7 đến 18/8, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch thi công các hạng mục giao thông trên cầu Nhật Tân và tuyến đường dẫn, bao gồm lắp đặt giá long môn và hàng rào phân làn phương tiện. Việc này sẽ kéo theo nhiều điều chỉnh trong tổ chức giao thông, đặc biệt vào ban đêm.

Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Trấn Yên

Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Trấn Yên

Xã Trấn Yên có diện tích trồng dâu tằm lớn nhất tỉnh Lào Cai với gần 700 ha, sản lượng kén tằm mỗi năm đạt 1.180 tấn. Để phát triển nghề trồng dâu và chế biến tơ tằm bền vững, địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó áp dụng khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là những yếu tố then chốt gia tăng giá trị kinh tế.

Cá lúa cộng sinh, nhân đôi giá trị

Lào Cai: Cá lúa cộng sinh, nhân đôi giá trị

Sau khi cấy vụ lúa mùa cũng là lúc người dân các xã vùng cao: Mù Cang Chải, Lao Chải, Khao Mang, Nậm Có… thả thêm lứa cá chép bản địa để cá lúa cộng sinh, cùng nhau sinh trưởng và phát triển. Đây là tri thức canh tác truyền thống được đồng bào Mông nơi đây duy trì từ nhiều đời nay.

Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân

Mã định danh thay mã số thuế: Bước ngoặt số hóa trong quản lý thuế cá nhân

Từ ngày 1/7/2025, ngành Thuế đã sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế trong toàn hệ thống. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) để làm rõ những tác động tích cực của chính sách này đối với công tác quản lý thuế và hoạt động của người dân, doanh nghiệp...

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các tỉnh miền trung và Tây Bắc bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các tỉnh miền trung và Tây Bắc bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, Sở Xây dựng các tỉnh miền trung và Tây Bắc khẩn trương khắc phục sạt lở, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt tại tỉnh Nghệ An – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3.

BẢO NHAI - VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

BẢO NHAI - VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

XÃ BẢO NHAI MỚI ĐƯỢC SÁP NHẬP BỞI 3 XÃ CỐC LY, NẬM ĐÉT, BẢO NHAI, MỞ RA KHÔNG GIAN VÀ HỘI TỤ CƠ BẢN CÁC YẾU TỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI. NGAY SAU KHI SÁP NHẬP, CẤP ỦY VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ ĐỀ RA CÁC GIẢI PHÁP NHẰM KHAI THÁC TỐT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ SẴN CÓ CỦA ĐỊA PHƯƠNG.

fb yt zl tw