Khởi sắc công nghiệp Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 24/4/2017 | 11:46:54 AM
YBĐT - Những năm qua, huyện Trấn Yên luôn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực có lợi thế về sản xuất, chế biến nông lâm sản, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF tại thôn 1 và 2 thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đang hoàn thiện sản phẩm may mặc
|
Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng 3 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Trấn Yên vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 96,6 tỷ đồng; trong đó, công nghiệp địa phương đạt 86,2 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,2 tỷ đồng, riêng công nghiệp tỉnh và trung ương trong tháng 2 và tháng 3 chưa đi vào sản xuất do các công ty tạm dừng hoạt động vì chưa có nguồn nguyên liệu.
Sản phẩm chủ yếu vẫn là quặng sắt 1.175 tấn; khai thác cát vàng, cát đen 1.760m3; khai thác sỏi 690m3; gỗ ván bóc 14.901m3; gỗ ván dán 3.705m3; tinh dầu quế 5 tấn; gạch nung gần 3 triệu viên; gạch không nung 788.000 viên.
Việc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định cả về quy mô và giá trị sản xuất, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành dịch vụ - du lịch, nông nghiệp phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng luôn được quan tâm.
Trấn Yên tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế hoạt động, sản xuất kinh doanh (SXKD) bình đẳng thuận lợi và phát triển. Huyện đã tập trung vào các giải pháp cụ thể hóa và thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch và chuẩn bị quỹ đất, tập trung các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước trong khu, cụm công nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hệ thống giao thông quốc gia, giao thông nội tỉnh, lao động cho các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường giải pháp kết nối các thành phần kinh tế với nông dân và vùng nguyên liệu, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết: "Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đến nay Trấn Yên đã có 50 dự án được cấp phép đầu tư, với số vốn đăng ký đầu tư 5.980 tỷ đồng; trong đó, có 3 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký 226,6 tỷ đồng, tương đương 11,5 triệu USD. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thực phẩm, chế biến khoáng sản, trồng rừng, chăn nuôi... đã có 21/50 dự án thực hiện hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất. Hoạt động của các dự án đầu tư, các cơ sở SXKD đã đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện; thu hút và tạo việc làm cho trên 4.200 lao động; thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước bảo đảm theo quy định; số thu ngoài quốc doanh hàng năm tăng bình quân 12,4%".
Tuy đạt được kết quả khá toàn diện, nhưng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thu hút đầu tư của huyện Trấn Yên thời gian qua còn thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương nằm giáp với thành phố Yên Bái; mối quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết trong SXKD giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, phát triển vẫn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến với phát triển vùng nguyên liệu.
Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ, lẻ hầu hết công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, chậm đổi mới, sản phẩm sản xuất chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế, nên giá trị không cao. Số lượng dự án được cấp phép đầu tư vào địa bàn tuy nhiều, nhưng phần lớn là đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất sản phẩm thô, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch; năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế, khá nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ...
Để ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, Trấn Yên cần tiếp tục duy trì phát triển các ngành công nghiệp chế biến có thế mạnh của huyện như chế biến nông, lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản... gắn với phát triển vùng nguyên liệu và có đầu ra ổn định cho sản phẩm; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, sản xuất gỗ ván ép, ván ghép thanh, gỗ ván sàn cao cấp, may gia công, công nghiệp phụ trợ, lắp ráp máy nông nghiệp, lắp ráp linh kiện điện tử.
Đẩy mạnh phát triển các làng nghề trồng dâu, nuôi và chế biến kén tằm và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; thực hiện đưa công nghiệp về nông thôn ở những vùng có nhiều lao động để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhất là công nghiệp may mặc, chế biến nông, lâm sản; đồng thời, phát triển các cơ sở chế biến nông lâm sản, cơ khí nhỏ với quy mô hộ gia đình...
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Giống như nhiều trường vùng cao khác, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Sùng Đô (Văn Chấn) cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.
YBĐT - Huyện thường xuyên thông tin kinh tế, xã hội, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của huyện tới các doanh nghiệp. Đồng thời, cùng doanh nghiệp thường xuyên tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính
Ngành chế biến gỗ đã có hơn 1 thập niên phát triển đầy ấn tượng. Từ 219 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2000 lên 7 tỷ USD vào năm 2016.
Lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã phạt vi phạm hành chính 8,4 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 1,4 tỷ đồng.