13 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí
- Cập nhật: Thứ hai, 15/5/2017 | 3:39:03 PM
Việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án là do giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu, và sự biến động của lưu lượng xe.
Quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua Phú Yên.
|
Bộ Giao thông Vận tải vừa thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.
Trong 19 dự án đường bộ, có 13 dự án được giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng; 4 dự án điều chỉnh tăng thời gian 24 năm 5 tháng.
Cụ thể, dự án xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa được giảm thời gian thu phí nhiều nhất là 20 năm một tháng. Công trình này có tổng mức đầu tư ban đầu là 822 tỷ đồng, dự kiến thu phí 27 năm 8 tháng. Sau khi quyết toán, tổng đầu tư giảm xuống 718 tỷ đồng, thời gian thu phí giảm còn 7 năm 7 tháng.
Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm một tháng xuống 12 năm 9 tháng).
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông Vận tải), việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí là do giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe; các tuyến đường này có lượng xe đi lại nhiều hơn so với dự kiến.
Theo quy định mới, nhà đầu tư không lập dự án đầu tư mà việc này được tiến hành bởi Bộ Giao thông. Trong bước lập dự án, tổng vốn đầu tư và lưu lượng xe chỉ là tạm tính nên không thể chính xác chi phí thực tế. Hàng năm, Tổng cục đường bộ sẽ đếm xe trên các tuyến đường để tính toán lại thời gian thu phí.
“Trong quá trình vận hành của các dự án, Bộ Giao thông sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT. Do vậy, sau khi quyết toán, nhiều công trình giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường”, ông Tuấn Anh nói.
Trong số 4 dự án BOT được kéo dài thời gian thu phí, dự án cầu Mỹ Lợi, quốc lộ 50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng). Ông Vũ Tuấn Anh cho biết việc kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm, doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.
Từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được hơn 186.000 tỷ đồng đầu tư 62 dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT và BT, gồm 58 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 170.000 tỷ đồng và 4 dự án BT với mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng.
Các dự án BOT đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 4.400 km đường bộ và hơn 94 km cầu; góp phần nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) từ 2 lên 4 làn xe, khai thác sớm hơn một năm so với kế hoạch.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phụ trách địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm theo quy định của pháp luật.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm Văn Chấn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
YBĐT - Ngay khi bước vào thực hiện kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2017, Chi cục Thuế thành phố đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ rà soát lại toàn bộ hệ thống ATM của mình, đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 36/2012/TT-NHNN năm 2012...