Yên Bái tăng cường giải pháp ổn định đời sống sau lũ

YBĐT - Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề đối với các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Sau khi ổn định chỗ ở, đời sống nhân dân, chính quyền, bà con đang tích cực cải tạo đồng ruộng, khôi phục sản xuất với quyết tâm không để đất hoang.
Sau lũ, dân mất đất, mất mùa

Đến bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, quang cảnh sau lũ tan hoang, ngổn ngang đất đá và rác rưởi. Những thửa ruộng màu mỡ dọc suối Hát nay trơ toàn đá, thậm chí thành lòng suối. Một trong những điều trăn trở nhất đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở là người dân nơi đây sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào khi ruộng vườn mất trắng, không còn đất để canh tác.

Gia đình chị Mè Thị Ngắm ở thôn Vũng Tàu từ trước đến nay, cuộc sống chỉ trông vào 3 sào ruộng nước. Vậy mà, trận lũ kinh hoàng đã cuốn phăng cả vụ mùa chưa thu hoạch, xóa sổ tất cả diện tích ruộng của chị. Trong xã cũng rất nhiều hộ rơi vào tình trạng như chị Ngắm. Theo thống kê, toàn xã bị thiệt hại khoảng 50 ha đất nông nghiệp. Nhiều hộ có nguy cơ đối mặt với cảnh cơ hàn khi mà vụ mùa mất trắng, đất sản xuất không còn.

Là địa bàn bị ảnh hưởng khá nặng do mưa lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp, cánh đồng khu vực bản Đường, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn trước đây màu mỡ bao nhiêu, từng là "bờ xôi, ruộng mật" thì giờ đây tiêu điều, xơ xác. Toàn xã có 23,4 ha/157 ha ngô đông đã bị vùi lấp không thể khôi phục; ngoài ra, nhiều diện tích bị vùi lấp một phần, gẫy đổ, một số diện tích ruộng bị sạt trôi hoàn toàn. Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Văn Chấn có 66 ha lúa bị thiệt hại, trong đó có 22 ha đất ruộng sạt lở không thể khôi phục, trên 260 ha ngô, rau màu bị ngập, úng... ước thiệt hại trên 311 tỷ đồng, trong đó riêng sản xuất nông nghiệp thiệt hại trên 7 tỷ đồng.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, theo thống kê chưa đầy đủ, trận lũ khiến 108 ha cây vụ đông bị ngập, trong đó 54,2 ha bị thiệt hại hoàn toàn, ruộng bị vùi lấp trên 22,2 ha, đất ruộng bị sạt lở cuốn trôi trên 3,7 ha, đất thủy sản bị vùi lấp 1.300 m2.
Không để ruộng đất bỏ hoang

Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, để khôi phục sản xuất, đối với diện tích ngô, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, vùi lấp thì nơi nào có khả năng khôi phục được sẽ vận động nhân dân nhanh chóng khôi phục; diện tích không khôi phục được thì tập trung cải tạo để chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Nếu khả năng cải tạo không được thì sẽ đề nghị chuyển sang trồng màu để đảm bảo an ninh lương thực, nhất quyết không để ruộng bỏ hoang. Những diện tích bị vùi lấp sâu, sẽ san gạt trồng cây màu; đồng thời, xin ý kiến tỉnh chuyển đổi sang hình thức khác phù hợp nhằm đảm bảo người dân vẫn có thu nhập trên diện tích đó.

Đối với huyện Văn Chấn, ngay sau khi nước rút, huyện chỉ đạo tăng cường cán bộ về các xã để kiểm tra, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nhân dân khẩn trương hót dọn đất đá, cát bồi lắng, cải tạo đồng ruộng để khôi phục sản xuất. Những diện tích không thể khắc phục được, chuyển sang trồng ngô và rau màu. Những diện tích bị vùi lấp sâu không thể cải tạo được sẽ vệ sinh, dọn dẹp đồng ruộng để trồng các loại rau màu...
Đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ, huyện chỉ đạo bà con gia cố lại bờ ao để tiếp tục nuôi; tập trung cải tạo kênh mương đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, chống úng cho những diện tích còn lại; tu sửa chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đến từng hộ dân để trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí ổn định sản xuất.

Đối với xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, lãnh đạo xã đề nghị Nhà nước quan tâm đến khắc phục thủy lợi và nhanh chóng có biện pháp khôi phục cũng như khảo sát, tìm kiếm đất sản xuất cho người dân. Đồng thời, mong được các cấp, ngành tạo điều kiện hỗ trợ kè lại 2 bờ suối Hát và khôi phục dòng chảy để người dân không còn bị nguy hiểm do mưa lũ”.
Cần giải pháp căn cơ và sự hỗ trợ, đầu tư đồng bộ

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Ngành đã thành lập và tiếp tục duy trì 2 đoàn công tác tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh, trồng trọt, đàn gia súc, gia cầm sau mưa lũ tại huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ; tổng hợp, báo cáo thiệt hại để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí kịp thời để nhân dân sớm ổn định sản xuất, chăn nuôi”.
Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương dọn dẹp, cải tạo các diện tích canh tác bị đất đá vùi lấp; đồng thời, chủ động về giống, cơ cấu cây trồng hợp lý. Sở sẽ phối hợp chỉ đạo về chuyên môn để các huyện, thị triển khai đảm bảo sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực. Đến nay, các địa phương đã chủ động dọn dẹp, vệ sinh các khu ngập lụt, bị bồi lấp cũng như tổng hợp, đề xuất về kinh phí hỗ trợ giống cho nhân dân, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng đã rà soát, tổng hợp đề nghị trung ương hỗ trợ trên 16.000 kg lúa giống, 10.000 kg ngô giống với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng…

Trước những thiệt hại nặng nề của thiên tai, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn cũng cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động bà con, họ hàng có người thân mất đất sản xuất nên san sẻ, đổi đất canh tác cho nhau để có đất sản xuất, đảm bảo đời sống lâu dài. Tiến hành rà soát, kiểm tra kỹ các diện tích rừng nghèo kiệt, diện tích có nguồn nước để khai hoang thành đất nông nghiệp. Khảo sát, đánh giá thiệt hại trên đất ruộng bị ảnh hưởng của lũ để xác định các vị trí có thể khôi phục bằng thiết bị máy móc hoặc thủ công…
Về lâu dài, người dân mong muốn chính quyền xem xét hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản... để khôi phục lại sản xuất; hỗ trợ thuốc, vật tư xử lý môi trường và phòng chống các loại bệnh dịch bùng phát. Chính phủ và tỉnh, các ngân hàng nên tạo điều kiện giúp đỡ để người dân được tiếp cận vốn ưu đãi, có giải pháp căn cơ đảm bảo về sinh kế... Có như vậy, mới sớm giúp đồng bào bị thiên tai ổn định sản xuất và đời sống và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Sau đợt mưa lũ vừa qua, diện tích lúa, hoa màu toàn tỉnh bị thiệt hại là 922 ha; trong đó, diện tích lúa, đất ruộng bị thiệt hại 227,7 ha (diện tích ruộng bị sạt lở không khắc phục được 99ha; đất ruộng bị vùi lấp có thể khắc phục được 63,4 ha; diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 66 ha); ngô, hoa màu, rau màu bị thiệt hại 694,5 ha (diện tích ngô, rau màu bị vùi lấp 25 ha; diện tích ngô, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 282 ha; ngô, rau màu bị thiệt hại nặng từ 30 - 70% là 11 ha; ngô, rau màu bị thiệt hại nhẹ dưới 30% là 33 ha; cây trồng vụ đông bị ngập, chủ yếu ngô, rau màu là 344 ha); Thiệt hại về gia súc, gia cầm trên 18.700 con... tổng giá trị thiệt hại về nông nghiệp ước tính trên 11 tỷ đồng.

Thiên Cầm - Quyết Thắng

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mở rộng không gian phát triển du lịch Y Tý

Mở rộng không gian phát triển du lịch Y Tý

Sau hợp nhất, xã Y Tý (Lào Cai) sở hữu những tiềm năng và lợi thế vượt trội về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các dân tộc giàu bản sắc. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và nông nghiệp ôn đới. Với không gian mở rộng, Y Tý có nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành chính hai cấp

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành chính hai cấp

Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 5552/BCT-TCCB ngày 25/7 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký về việc thực hiện Kết luận số 178-KL/TW ngày 17 tháng 7 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính hai cấp hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Rà soát, xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Rà soát, xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương rà soát, đánh giá và xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Công nghệ nội địa và bài toán tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả

Công nghệ nội địa và bài toán tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả

Với hàng trăm triệu tấn phụ phẩm mỗi năm, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển hóa 'rác thải' thành những sản phẩm giá trị cao, từ nhiên liệu sinh học, nhựa phân hủy đến mỹ phẩm. Sự chủ động của doanh nghiệp và các giải pháp công nghệ nội địa đang mở ra con đường tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận và giảm tác động môi trường.

NỖ LỰC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH Ở MỨC CAO NHẤT

NỖ LỰC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH Ở MỨC CAO NHẤT

SAU KHI HỢP NHẤT, TỈNH LÀO CAI (MỚI), NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH ĐƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM, HĐND TỈNH ĐÃ HỢP NHẤT DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (NSNN) THEO HƯỚNG DẪN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TÀI CHÍNH, TỈNH LÀO CAI MỚI SAU HỢP NHẤT ĐÃ TẬP TRUNG QUẢN LÝ NGUỒN THU NGÂN SÁCH VÀ QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU NĂM 2025.

fb yt zl tw