"Bão" bủa vây
Tại cuộc gặp mặt báo chí cuối năm 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn chia sẻ: Chưa có năm nào ngành nông nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách như năm 2017. Những tháng đầu năm, thời tiết diễn biến phức tạp. Mưa dứt trễ ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Bộ, nắng nóng ở miền Bắc... Cùng với đó, khô hạn, xâm nhập mặn từ năm 2016 kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến vụ lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long và vụ đông xuân ở miền Bắc...
Đỉnh điểm là mùa mưa bão năm 2017 vô cùng khắc nghiệt với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 10 gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Bắc với tổng diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 75 nghìn héc ta và hàng chục nghìn héc ta rau màu vụ đông bị ảnh hưởng nặng nề... Chưa kịp "hồi sức” sau bão số 10 thì ngành Nông nghiệp lại bị bão số 12 "vùi dập”, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với 9.163ha lúa và 20.783ha rau màu bị ngập hỏng; nhiều diện tích cây lâu năm bị đổ. Tổng thiệt hại do thiên tai ước khoảng 60.000 tỷ đồng...
Cùng với cơn đỏng đảnh của tự nhiên, ngành Nông nghiệp còn phải đối diện những "cơn bão” từ thị trường thế giới và những tồn tại từ sản xuất trong nước: Khủng hoảng giá khiến lĩnh vực chăn nuôi lao đao khi giá thịt lợn giảm sâu chưa từng có! Thời điểm đó, giá lợn hơi như "rơi tự do", chỉ còn 22.000 đến 25.000 đồng/kg và "chạm đáy" trong vòng 30 năm trở lại đây. Nguyên nhân xuất phát từ công nghiệp chế biến chậm phát triển; hoạt động nghiên cứu, dự báo cung - cầu thị trường còn bất cập.., nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
"Bão" thị trường, "bão" áp lực cạnh tranh chưa hết: Nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và áp dụng nhiều chính sách bảo hộ. Đơn cử, Hoa Kỳ áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn, thực hiện Luật Nông trại đối với cá tra; Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU; thị trường Australia không nhập khẩu tôm của Việt Nam khi chưa luộc chín…
Vượt "bão”
Nếu như những cơn bão của thiên nhiên, bão từ thị trường với áp lực cạnh tranh gay gắt cùng hàng loạt rào cản kỹ thuật được dựng lên từ phía quốc gia nhập khẩu định hình dấu ấn về một năm quá đỗi khó khăn với ngành Nông nghiệp và nhà nông thì thành quả đạt được trong năm 2017 lại làm nên dấu ấn về một năm vượt "bão"!
Từ những lo lắng không đạt mục tiêu Chính phủ giao, kết thúc năm 2017, ngành Nông nghiệp đã vượt chỉ tiêu được giao, tạo nên những con số đầy ấn tượng: Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,16% so với năm 2016; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (tương đương 13,0%) so với năm 2016; thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7%; thủy sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18,0%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, tăng 9,2% (so với cùng kỳ năm 2016). Trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, đã có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, điển hình là rau, quả. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng hơn 40% so với năm trước, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán, nhiều loại trái cây như vú sữa đã "có vé” đi Mỹ, chanh leo "vào" EU, xoài "sang" Australia…
Không chỉ mặt hàng trái cây, nhiều nông sản Việt Nam đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế...
Điểm sáng nữa của ngành Nông nghiệp trong năm 2017 chính là nỗ lực giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, với hơn 9.142 mẫu nước tiểu và thịt lấy tại các cơ sở giết mổ trong toàn quốc không phát hiện chất cấm Salbutamol, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63%, giảm gần 3 lần so với năm 2016; tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89%; tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng bảo vệ thực vật cũng giảm - còn 0,6% (năm 2016 tỷ lệ này là 2,05%). Cả nước đã xây dựng thành công 746 mô hình chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản an toàn tại 63 tỉnh, thành phố...
Đặc biệt, với định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đến thời điểm này, 33 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với khoảng 70.000ha bao gồm các hình thức, quy mô, sản phẩm đa dạng. Từ những chuyển dịch trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đời sống người dân được cải thiện và nâng lên. Đến nay, cả nước có 2.884 xã nông thôn mới (32,3%), vượt kế hoạch được giao là 31%...
Những đánh giá, dữ liệu nêu trên cho thấy: Sự phát triển của ngành Nông nghiệp không chỉ định hình bởi con số định lượng mà còn cho thấy những chuyển biến về chất. Đặc biệt, sự cải thiện này lại nằm ở hai điểm rất đáng quan tâm: Thứ nhất, hàm lượng giá trị gia tăng ở kim ngạch xuất khẩu (với nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng nông sản nghiêm ngặt). Thứ hai, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề vốn không chỉ "nóng" với người tiêu dùng nội địa mà còn là tiêu chí khắt khe với các thị trường nhập khẩu.
Tầm nhìn xa
Mục tiêu năm 2018, ngành Nông nghiệp sẽ tăng trưởng 2,8-3,0%; kim ngạch xuất khẩu đạt 37-38 tỷ USD; có 37% xã và 52 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%...
Những mục tiêu, tỷ lệ cụ thể này đòi hỏi những định hướng và giải pháp phù hợp. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp, đánh giá rất cao những nỗ lực vượt khó của ngành Nông nghiệp trong năm 2017, thực hiện mục tiêu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Ngành phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong tái cơ cấu. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp phải đạt 3%. Kim ngạch xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD. Cần quan tâm xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc mà nông nghiệp - nông thôn đặt ra. Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, đồng thời, nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân...
Xét cho cùng, để ngành nông nghiệp, người nông dân không còn phải phụ thuộc mỗi cơn đỏng đảnh của thời tiết như thiên tai bão lũ, không còn phải thấp thỏm khi mỗi hàng rào kỹ thuật từ phía đối tác được dựng lên, nông nghiệp "sạch, thông minh" là con đường tất yếu, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho hành trình hội nhập rộng dài phía trước.
(Theo HNMO)