Ngân hàng của người nghèo

YBĐT -Thông qua 11 chương trình vay vốn, trong năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho 975 lượt khách hàng vay với số tiền 32 tỷ 033  triệu đồng. 

 Những ngày đầu năm mới 2018, con đường về bản Lừu xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu ngập sắc thắm hoa đào. Bỏ lại phía sau những đau thương, thiệt hại trong cơn lũ lịch sử, người dân ở đây đón xuân trong niềm tin, hy vọng ở những thắng lợi mới.

Niềm vui như càng được nhân đôi đối với những hộ nghèo đã phát huy hiệu quả đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để tết này họ có cái tết sung túc hơn.

Đón chúng tôi và cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Trạm Tấu bằng nụ cười rạng rỡ, anh Lò Văn Đột ở thôn Lừu 2 xã Hát Lừu  liên tục nói cảm ơn những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nguồn vốn vay dành cho người nghèo từ NHCSXH huyện. Trước đây, gia đình anh Đột là hộ nghèo vì thu nhập chủ yếu từ 2.000 m2 ruộng. Thiếu tư liệu sản xuất, cộng với thiếu vốn để đầu tư sang các lĩnh vực khác, khiến cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2013, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, anh Đột mạnh dạn đăng ký vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Có vốn, anh Đột đầu tư vào nuôi bò thương phẩm. Để phát huy hiệu quả mô hình này, ngay khi đầu tư vào chăn nuôi, anh đã học hỏi các mô hình điển hình trên cả nước qua sách báo, truyền hình và học hỏi kinh nghiệm từ những hộ khác. Vì vậy, mô hình chăn nuôi bò sau 2 năm đã đạt kết quả hơn cả mong đợi. Giờ đây, tổng giá trị đàn bò đạt khoảng gần 100.000.000 đồng.
Anh Lò Văn Đột chia sẻ: "Tôi vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò. Sau 4 năm thực hiện, từ 3 con bò giống ban đầu giờ đã có 8 con. Đây là tài sản lớn của gia đình. Tôi rất vui và tết này ăn tết to hơn mọi năm”.

Cũng từ vốn vay NHCSXH, gia đình bà Lò Thị Pình ở bản Lừu 1, xã Hát Lừu lại lựa chọn đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm. Từ vốn vay ban đầu là 50 triệu đồng, bà Pình mua lợn giống, xây dựng chuồng trại kiên cố; đồng thời, bà được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt cùng với thường xuyên tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ đã thành công nên 4 năm nay mô hình nuôi lợn thương phẩm của bà Pình đã phát triển tốt.
Hàng năm, gia đình bà xuất chuồng khoảng 3 tấn lợn hơi và thu nhập hàng trăm triệu đồng. Có vốn, bà Pình mở rộng kinh doanh hàng tạp hóa tại nhà để nâng cao thu nhập. Đồng vốn xoay vòng, bà Pình từ một hộ  nghèo trở thành điển hình tiên tiến trong làm kinh tế của xã Hát Lừu.

Huyện vùng cao Trạm Tấu có tỷ lệ hộ nghèo là 60%, đối tượng vay vốn của NHCSXH huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, trình độ còn hạn chế. Vì vậy, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã có nhiều hoạt động ở cơ sở để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn như thực hiện nghiêm túc lịch giao dịch, quy trình giao dịch tại xã theo quy định; nội quy giao dịch và thông báo các chương trình cho vay, hòm thư góp ý; niêm yết đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên; công khai danh sách hộ vay vốn thuận tiện trong việc đối chiếu tại cơ sở... Bên cạnh đó, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ có tính đổi mới sáng tạo, giúp người nghèo phát huy có hiệu quả đồng vốn vay.
Ông  Phạm Thành Long - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: "Để giúp người dân phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các xã, thị trấn trong công tác giám sát nguồn vốn và giúp nhân dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và áp dụng được vào thực tế sản xuất”.
Năm 2017, tổng nguồn vốn thực hiện tại NHCSXH huyện Trạm Tấu  là  134 tỷ 496 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn nhận từ NHCSXH Trung ương là gần 130 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương 4 tỷ 676 triệu đồng. Thông qua 11 chương trình vay vốn, trong năm 2017, NHCXSH huyện đã giải quyết cho 975 lượt khách hàng vay với số tiền 32 tỷ 033  triệu đồng, đưa tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 134 tỷ 244 triệu đồng với 4.532 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Kết quả này, đã góp phần quan trọng vào mục tiêu  giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm.
Quan trọng hơn cả là đã tạo động lực cho người nghèo chủ động phát triển kinh tế xóa đói giảm ngheo và làm giàu ngay tại quê hương. Củng cố thêm niềm tin của đồng bào vùng cao vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. 
Phương Thùy – Duy Hùng (Trung tâm TT&VH huyện Trạm Tấu)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chấp nhận địa chỉ cũ trong hồ sơ hải quan giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính

Chấp nhận địa chỉ cũ trong hồ sơ hải quan giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày 3/7, Cục Hải quan ban hành văn bản hỏa tốc hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện thủ tục hải quan trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Văn bản này nhằm bảo đảm việc thông quan hàng hóa và phương tiện vận tải diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn do thay đổi địa giới hành chính.

Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách

Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách

Không chỉ đảm nhiệm vận tải hành khách, ngành Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương.

Việt Nam - Kỷ nguyên mới: Khơi tiềm năng, phát huy thế mạnh

Việt Nam - Kỷ nguyên mới: Khơi tiềm năng, phát huy thế mạnh

Không gian rộng lớn với những cơ hội phát triển vượt trội của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang mang đến những triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn mới của đất nước. Để đạt được điều này, trách nhiệm đang đặt trên vai bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, làm sao khơi được tiềm năng, phát huy được thế mạnh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khi "Xanh" và "Hạnh phúc" hòa chung một nhịp

Khi "Xanh" và "Hạnh phúc" hòa chung một nhịp

Một trang sử mới chính thức mở ra trên dải đất Tây Bắc khi tỉnh Lào Cai (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Lào Cai (cũ) và Yên Bái. Đây không đơn thuần là một sự kiện hành chính, mà là cuộc hội ngộ lịch sử của hai triết lý phát triển nhưng lại cùng chung một đích đến: kiến tạo một vùng đất "Xanh" về sinh thái và mang lại "Hạnh phúc" đích thực cho người dân. Những thành tựu rực rỡ trong 5 năm qua chính là bệ phóng vững chắc cho hành trình mới này.

fb yt zl tw