Đông Cuông chủ động phòng chống dịch bệnh khi tái đàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/4/2018 | 7:35:47 AM

YBĐT - Để việc tái đàn của nhân dân không ồ ạt, khó kiểm soát tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, xã Đông Cuông (Văn Yên) chỉ đạo cán bộ thú y viên cơ sở thống kê đầy đủ các hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn từ khi nhập giống về...

Ông Nguyễn Văn Môn ở thôn Sân Bay chăm sóc đàn gà.
Ông Nguyễn Văn Môn ở thôn Sân Bay chăm sóc đàn gà.

Đầu năm là dịp người dân tập trung tái đàn để phát triển chăn nuôi. Do vậy, để tránh việc tái đàn ồ ạt dẫn đến việc khó kiểm soát về tình hình dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm và ổn định thị trường, xã Đông Cuông đã tập trung chỉ đạo nhân dân thận trọng, không tái đàn ồ ạt; đồng thời, lựa chọn con giống rõ ràng nguồn gốc để tránh việc nhập con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chăn nuôi cũng như việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 
Dù mới bắt tay vào chăn nuôi được gần 3 năm nay, song gia đình anh Nguyễn Văn Được ở thôn Đồng Tâm được đánh giá là hộ chăn nuôi giỏi có tiếng của thôn. Với sức trẻ, có ý chí làm giàu, sau khi có chút vốn liếng từ việc làm gạch nung, anh đã mạnh dạn đấu thầu đất soi bãi của xã và của nhân dân với diện tích hơn 1 ha để làm trang trại nuôi gà với quy mô 1.000 con/lứa.
 
Để có kiến thức nuôi gà, anh đã chủ động tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về công tác thú y tại xã, tìm đọc tài liệu qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi đi trước. Do khu vực chăn nuôi được cách ly xa khu dân cư, công tác phòng chống dịch bệnh tốt nên mỗi năm anh xuất bán được 3 lứa gà, thu lãi gần 70 triệu đồng mỗi năm. Để tập trung phát triển chăn nuôi trong năm mới, gia đình anh đã chủ động vệ sinh chuồng trại, tìm nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng để phát triển chăn nuôi.
 
Anh Được cho biết: "Để chủ động tái đàn, gia đình tôi đã tìm đến các cơ sở chăn nuôi lớn có nguồn gốc rõ ràng để nhập con giống; đồng thời, khi nhập con giống về cũng phải tiêm phòng lại một số bệnh thông thường của gà và cách ly chúng một thời gian, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh bởi thời tiết như hiện nay gà rất dễ mắc bệnh, chỉ sơ sẩy là mất trắng”.
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Môn thôn Sân Bay từng có thâm niên nuôi lợn thịt nhiều năm nhưng do chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, từ khi chuyển sang nuôi gà quy mô lớn, có đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Với quy mô 1.000 con/lứa, nuôi theo hình thức gối vụ, đàn này bán ông lại chủ động nhập đàn mới nên mỗi năm gia đình ông cũng xuất bán 6 – 7 lứa gà, mỗi lứa trên 3 tấn gà, thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Để có kiến thức trong chăn nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh tốt cho đàn vật nuôi, ngoài việc tự tìm hiểu kiến thức qua sách, báo và các buổi tập huấn về thú y tại xã, ông còn tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch tiêm phòng theo định kỳ của xã, bình quân mỗi năm, gia đình anh bỏ ra 3 – 5 triệu đồng để mua thuốc phun tiêu độc khử trùng và các loại vắc-xin về để tiêm phòng cho đàn gà. Nhờ vậy, nhiều năm chăn nuôi, gia đình ông chưa bị thiệt hại về dịch bệnh lần nào.
 
Ông Môn cho biết: "Năm nào đến dịp cuối năm, tôi cũng bán hết số gà còn lại để vệ sinh tiêu độc khử trùng, bởi thông thường đầu năm thời tiết mưa ẩm mầm bệnh ở khu vực chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát lớn, nếu mình không xử lý tốt trước khi nuôi thì thiệt hại là điều không tránh khỏi”. 

Xã Đông Cuông có 177 con trâu, bò; 5.732 con lợn và gần 43.000 con gia cầm các loại, 21 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn từ 20 con trâu, bò đến trên 1.000 con gia cầm/chủ hộ chăn nuôi. 

Để việc tái đàn của nhân dân không ồ ạt, khó kiểm soát tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, xã Đông Cuông chỉ đạo cán bộ thú y viên cơ sở thống kê đầy đủ các hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn khi nhập con giống về phải báo cáo với xã, con giống phải có xuất xứ rõ ràng, phải được nhập ở vùng an toàn, có kiểm định thú y ở nơi xuất bán giống.
 
Ông Cao Mạnh Khởi -  Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với diễn biến thời tiết bất thường nên tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan ra diện rộng, kể cả dịch cúm gia cầm sẽ bùng phát bất cứ lúc nào trên đàn vật nuôi.
 
Để nhân dân tái đàn không ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh, xã chỉ đạo thú y viên cơ sở phối hợp với các ngành đoàn thể vận động tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả. 

Cùng với đó, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình, tích cực chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học, mặt khác cân đối đàn cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ.

Lê Thanh

Các tin khác
Người dân Yên Bình đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

YBĐT - Hồ Thác Bà có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình. Với trên 19.000 ha mặt nước, hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, trên địa bàn huyện hiện có 20 xã, thị trấn được giao quản lý diện tích mặt nước hồ Thác Bà.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà khu vực thị trấn Cổ Phúc, xã Minh Quán, Hòa Cuông, Cường Thịnh, Y Can huyện Trấn Yên thu hút trên 80 hộ tham gia.

YBĐT - Theo số liệu thống kê thống kê năm 2017, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt trên 106.800 con; trong đó, đàn bò gần 27.850 con, đàn lợn trên 502.430 con, đàn gia cầm khoảng trên 4,6 triệu con. 


Mỹ công bố danh mục 1.300 mặt hàng Trung Quốc có thể bị áp thuế 25%.

Hôm nay (4-4), chỉ ít giờ sau khi Mỹ công bố danh mục 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế 25%, Trung Quốc đã công bố biện pháp đáp trả.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương tạm dừng giao, chuyển xe ôtô công cho các đơn vị trực thuộc trong thời gian văn bản mới chưa được ban hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục