Dự Hội thảo có 50 đại biểu gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc, Sở Công Thương, đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam...
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều đề án, chính sách quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành từ 4 - 5%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,9% so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trên 10%/năm…
Tỉnh cũng đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo Mường Lò…
Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp được chế biến theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; phương thức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; hoạt động kinh tế hợp tác chưa cao; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa hiệu quả; hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, việc gắn kết sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế còn hạn chế…
Từ những tồn tại trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tìm ra các giải pháp để tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái.
Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam đã giới thiệu một số mô hình chế biến theo chuỗi từ những sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương như: sản phẩm chè Suối Giàng (Yên Bái), các sản phẩm chế biến từ cam Con Cuông (Nghệ An), Cao Phong (Hòa Bình) như: nước cốt cam, mứt cam, tinh dầu cam, siro cam, rượu cam, xà phòng cam; các sản phẩm từ củ lạc (Nghệ An) như: bơ lạc, dầu lạc, bánh, kẹo lạc; các sản phẩm tơ lụa…
Đại diện Viện cũng đã chia sẻ kinh nghiệm từ việc tạo ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và truy xuất nguồn gốc; làm các chứng nhận: VietGAP, hữu cơ.
Đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội thảo.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp như: tập trung duy trì, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và phát triển liên hiệp hợp tác xã kiểu mới; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm hàng hóa đặc trưng và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương.
Khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, gắn với hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
Khuyến khích các cơ sở chế biến sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý và giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn liền với văn hóa địa phương, du lịch sinh thái của tỉnh; thu hút, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các mô hình nòng cốt liên kết theo chuỗi giá trị, có thị trường ổn định, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô các chuỗi liên kết một các hiệu quả, bền vững theo từng ngành hàng chủ lực...
Hồng Duyên - Hoài Văn