Năm 2010, được sự tuyên truyền, tạo điều kiện của Đoàn Thanh niên xã, đoàn viên Điêu Sông Thao, thôn Phán Thượng đã mạnh dạn vay mượn họ hàng cùng số tiền tích cóp đầu tư 8 triệu đồng vào nấu rượu, nuôi lợn và dịch vụ xay xát.
Với đức tính cần cù, ham học hỏi, đàn lợn của Thao sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập khá. Năm 2013, Thao bàn với vợ vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gần 40 triệu đồng để mua 2 ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng. Trung bình mỗi năm, từ chăn nuôi lợn, xay xát và vận chuyển vật liệu đã cho gia đình Thao thu nhập trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động. Năm 2017, Thao dựng ngôi nhà mới trị giá gần 1 tỷ đồng.
Đoàn viên Lò Văn Dũng, thôn Bản Xa cho biết: "Những năm gần đây, thị trường phong lan, địa lan được rất nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt thời cơ và tận dụng sự ưu đãi của khí hậu nên giữa năm 2017, tôi đã mạnh dạn vay 45 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư phát triển mô hình trồng phong lan bản địa”.
Ban đầu, Dũng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi chưa có kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu về đặc điểm của các loài phong lan qua nhiều kênh thông tin, Dũng đã hiểu và thuần thục các kỹ thuật trồng, cấy ghép, chăm sóc. Hiện nay, trong vườn nhà Dũng có hơn 400 giò phong lan với giá bán trung bình từ 300 nghìn đồng đến vài triệu đồng; một số giò có giá hàng chục triệu đồng, đem lại thu nhập cao.
Chị Lò Thị Thúy - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Lợi cho biết: "Để giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp; phối hợp với các tổ chức tín dụng nhận ủy thác vay vốn cho ĐVTN; hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật giúp ĐVTN vươn lên làm giàu; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình tiên tiến; vận động ĐVTN chủ động tự tạo việc làm, tự giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội...”.
Đến nay, Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Lợi đã có 13 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như đoàn viên Điêu Sông Thao, Hoàng Văn Vĩnh, thôn Phán Thượng; Lò Văn Bình, Lò Thị Nga, thôn Chao Hạ 1; Lò Văn Dũng, thôn Bản Xa...
Theo kế hoạch, hàng năm thị xã Nghĩa Lộ đào tạo nghề cho 400 - 500 lao động, song hiệu quả sau đào tạo nghề vẫn còn thấp. Nhiều người học nghề mới nhưng lại bỏ và quay về nghề cũ nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Nguyên nhân chính được xác định là do công tác điều tra, đánh giá chưa đúng thực trạng, tình hình lao động ở nông thôn.
Bài học rút ra từ những thành công trong vận động, hỗ trợ ĐVTN ở xã Nghĩa Lợi cho thấy, để làm tốt việc đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn; trong đó, đối tượng chính là ĐVTN, thị xã Nghĩa Lộ cần kết hợp nhiều chương trình, dự án để tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo như: kết hợp với các mô hình giảm nghèo bền vững; mô hình chăn nuôi hàng hóa; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Ngoài ra, các cơ sở Đoàn cần tích cực tham gia vào chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Đoàn thanh niên và Ngân hàng Chính sách xã hội; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi... Có như vậy, công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn mới đạt được hiệu quả và nâng cao chất lượng đời sống.
Trần Ngọc