Hiện nay, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh là 695.000 con. Trong đó, đàn trâu trên 107.400 con, đàn bò trên 29.750 con, đàn lợn 557.840 con; đàn gia cầm 4,7 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tháng 1/2019 ước đạt 4.000 tấn.
Trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính tháng ước đạt 3.750 tấn. Với sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trong tháng 2 năm 2019 dự kiến khoảng 4.500 tấn, theo tính toán của cơ quan chức năng về cơ bản sẽ bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh cho dịp tết Nguyên đán và xuất bán ra ngoại tỉnh khoảng 3.000 tấn.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh một số địa phương có đàn gia súc mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng mạnh; cộng với thời tiết, nhiệt độ thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh LMLM có thể phát triển lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng đàn vật nuôi.
Để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái yêu cầu trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tích cực hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, khu buôn bán gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa phương; tổ chức lực lượng, bố trí nhân lực để sẵn sàng xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh phát sinh trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt việc tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2018 cho đàn gia súc, gia cầm.
Cùng với sự chủ động của cơ quan chức năng, tại các hộ chăn nuôi, việc ưu tiên nhất hiện nay là đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để chủ động các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Là một trong những hộ chăn nuôi gà theo hình thức bán thả quy mô lớn của xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, gia đình anh Đoàn Quốc Hội ở thôn Thanh Niên 1 đang tích cực chăm sóc cho gần 500 con gà vừa gà ri vừa gà Dabaco để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp tết Nguyên đán cho người dân.
Anh Hội cho biết: "Lứa gà này tôi vào từ tháng 8 năm 2018. Đến giờ cân nặng bình quân đạt từ 2 - 2,5 kg/con. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp tết Nguyên đán, cách đây 1 tháng gia đình chăm sóc, vỗ béo cho đàn gà bằng việc tăng thức ăn giàu tinh bột, bổ sung thêm vitamin C từ rau xanh, thân cây chuối để tăng sức đề kháng. Đồng thời, định kỳ 1 lần/tuần phun thuốc khử trùng chuồng trại và diện tích vườn thả gà, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gà”.
Hiện tại gia đình anh Hội đã xuất bán được quá nửa đàn gà với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, với giá này theo tính toán của anh Hội thì chỉ hòa vốn. Số gà còn lại anh Hội bán từ giờ đến tết và anh mong giá tăng cao hơn đôi chút để có đồng lãi quay vòng tái đầu tư chăn nuôi.
Cũng như nhiều hộ chăn nuôi lợn khác, hiện nay gia đình anh Trần Văn Điểm ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình tích cực chăm sóc và phòng dịch bệnh cho đàn lợn đang đến kỳ xuất chuồng. Vừa qua, gia đình anh đã xuất được hơn 1 tấn với giá 45.000 đồng/kg, hiện nay trong chuồng còn gần 2 tấn để xuất vào dịp trong và sau tết Nguyên đán.
Hiện tại, giá thịt lợn hơi duy trì mức 45.000 - 48.000 đồng/kg; giá sản phẩm thịt lợn 85.000 đồng/kg mông sấn. Dự báo vào dịp tết Nguyên đán giá các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng nhẹ nhưng không có biến động lớn.
Với việc tích cực chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm thương phẩm và sự chủ động kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người chăn nuôi, chắc chắn rằng nguồn cung ứng thực phẩm dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân cả về số lượng và chất lượng.
Hồng Duyên