Dự án này chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Tại báo cáo này nêu, so với tiến độ Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2018 đến nay, tiến độ của các dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cơ bản bảo đảm. Nhưng các dự án đầu tư công theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng 3 tháng.
Nguyên nhân là thay đổi phương thức đấu thầu chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đầu thầu rộng rãi trong nước. Bên cạnh đó, thách thức về vốn cũng là trở ngại cho tiến độ thực hiện dự án.
Các nhà đầu tư chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ tháng 1/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.
Với 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, gồm Dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã được tổ chức đấu thầu từ giữa năm nay.
Nhà thầu có yếu tố Trung Quốc nộp hồ sơ chiếm... một nửa
Còn với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, báo cáo của Chính phủ nêu khá chi tiết quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà thầu quốc tế, nhưng sau đó lại hủy vào giữa tháng 9, chuyển sang đấu thầu trong nước.
Đến giữa tháng 5 toàn bộ hồ sơ sơ tuyển mời thầu quốc tế với 8 dự án thành phần này đã được bán hết. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ.
Đáng chú ý, một nửa trong số hồ sơ thầu quốc tế ghi nhận là của nhà thầu Trung Quốc dưới hình thức 100% vốn hoặc liên doanh với Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư Việt Nam nộp hồ sơ là 15. Còn lại là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Phillippines...
Quá trình thẩm định, đánh giá năng lực hồ sơ thầu của các nhà đầu tư thì trong số 8 dự án PPP, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư đáp ứng được nhu cầu. Một dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Do hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiếu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ... nên dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế.
"Số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển và vượt qua được vòng đánh giá khá ít, cho thấy tính cạnh tranh không cao", Chính phủ đánh giá.
Phát huy nội lực trong nước
Giữa tháng 9, Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
"Mục tiêu là phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng”, báo cáo nêu.
Sau khi thay đổi hình thức đấu thầu các dự án thành phần theo hình thức PPP, việc sơ tuyển chọn nhà đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2020 và toàn bộ việc đấu thầu sẽ xong vào tháng 11/2020.
Để bảo đảm việc triển khai dự án đúng yêu cầu, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục giám sát chặt chẽ; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và hơn 63.710 tỷ vốn vay thương mại.
Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt báo cáo nghiên cứ khả thi của toàn bộ 11 dự án thành phần, tổng chiều dài toàn tuyến là 654,3km, tổng mức đầu tư là 102,513 tỷ đồng, gồm 50.811 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. |
(Theo thanhtra.com.vn)