Từ tỉnh lộ 171 rẽ vào tuyến đường liên thôn, không khó để nhận ra những lớp bụi đá trắng xóa phủ kín cây cối, nhà cửa 2 bên đường. Càng vào gần khu vực mỏ đá, tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi đá càng nặng khi những chuyến xe tải trọng lớn ra vào nhộn nhịp, cạnh đó những chiếc băng tải đưa đá nghiền lên cao rồi thả xuống bãi tập kết, tạo nên những đám bụi bay mù mịt.
Hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại khu vực này không chỉ làm hư hỏng tuyến đường liên thôn mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là gia đình bà Lý Thị Lới ở thôn Làng Mường vì ngôi nhà của bà nằm ngay cạnh bãi tập kết, cũng là khu vực xay, nghiền đá. Từ ngoài cổng, bụi đã phủ trắng cây cối, vườn tược đến toàn bộ khuôn viên, vật dụng trong nhà. Những tấm bạt đã được căng ra tại các cửa sổ nhưng tình trạng ô nhiễm không được cải thiện là mấy.
Bà Lới cho biết: "Ngày nào cũng quét, lau chùi nhưng không xuể, quay đi, quay lại đã thấy trắng xóa. Gia đình tôi chẳng biết phải sống như thế nào, trong khi đất đai, nhà cửa ở đây đã mấy chục năm. Phía mỏ đá gây ảnh hưởng như vậy nhưng cũng chẳng có hỗ trợ gì”.
Quả thực, "bủa vây” hai bên đường liên thôn suốt chiều dài khoảng 500 m là các khu khai thác, bãi tập kết đá và các máy nghiền đang hoạt động hết công suất khiến bụi bay khắp khu vực. Mỗi khi có xe chạy qua kể cả xe máy cũng kéo theo lớp bụi trắng xóa bay khắp đoạn đường dài. Thậm chí điểm tập kết đá thành phẩm, máy nghiền đá nằm ngay bên đường. Có cảm giác đây là tuyến đường nội bộ trong các mỏ khai thác chứ không phải là đường dân sinh.
Điều đáng nói, khu vực xay, nghiền đá lại nằm ngay cạnh đường dân sinh, hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại. Trong khi đó, theo phản ánh của các hộ dân, bình quân mỗi ngày mỏ đá đều nổ mìn 2 lần, mỗi lần như vậy, công nhân mỏ đá chặn đường và đề nghị tất cả mọi người ngừng qua lại, đồng thời di chuyển ra xa vài trăm mét để đảm bảo an toàn.
Vật dụng của nhiều hộ gia đình đều phủ kín bụi đá.
Anh Hoàng Văn Ngôn, thôn Quyết Thắng, xã Tô Mậu bức xúc: "Mỏ đá của công ty này hoạt động ở đây lâu rồi. Bụi không biết nói như thế nào cho hết, thậm chí có lúc mỏ nổ mìn, đá còn văng cả vào nhà, làm thủng mái, tôi phải chạy vào báo người của mỏ đá mới xuống sửa cho”.
Theo phản ánh, mỏ đá của Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái không những gây bụi mà mới đây còn lắp thêm trạm trộn bê tông tươi cộng với hoạt động của trạm trộn bê tông nhựa gây ra bụi và mùi khét rất khó chịu. Được biết, khu vực này có 3 mỏ khai thác đá xây dựng, các mỏ đá này đều nằm cạnh đường dân sinh và rất gần nhà dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: "Xã có nắm được thông tin việc mỏ đá gây bụi, làm hỏng đường dân sinh. Năm 2019, Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái cùng Nhà nước đã đầu tư đổ bê tông cho đoạn đường này, tuy nhiên, tình trạng bụi vẫn còn. UBND xã không đủ thẩm quyền xử phạt nên đề nghị mỏ hạn chế phát tán bụi và đề xuất lên cấp trên để chấn chỉnh tình trạng này”.
Là tuyến đường liên thôn, hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại, hoạt động của mỏ đá không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân sống gần khu vực và những người qua lại nơi đây.
Do vậy, trước mắt các đơn vị khai thác, vận chuyển cần có giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương đồng thời về lâu dài cần bố trí nguồn lực để sửa chữa, bảo dưỡng tuyến đường.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần kiểm tra, đánh giá thực tế mức độ ảnh hưởng về môi trường cũng như việc quá trình tập kết đá xay, vị trí để máy nghiền đá có đảm bảo và đúng với hồ sơ đã được cấp đồng thời có biện pháp để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho nhân dân.
Hùng Cường